Đó là phát biểu của Kevin Sim – phụ trách truyền thông của Bundesliga tại khu vực châu Á trong cuộc phỏng vấn với đại diện của Football Tribe – Cesare Polenghi.
Văn phòng của Bundesliga tại châu Á
Số nhà 6A của con phố nhỏ Duxton Hill tại Singapore chính là trụ sở của Bundesliga châu Á, nơi tôi có dịp trò chuyện cùng Kevin Sim - phụ trách truyền thông của Bundesliga tại khu vực châu Á.
Từng làm việc vài năm tại cả châu Á và châu Âu, Kevin đã có những chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong công việc mới của anh tại Bundesliga tại khu vực châu Á.
Kevin nói: "Bundesliga là giải đấu lớn đầu tiên (ở châu Âu) mở văn phòng đại diện tại khu vực khác của thế giới và địa điểm chính là đây (Singapore). Chúng tôi sẽ sớm mở văn phòng tại Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới."
"Trong thời gian đầu, những mục tiêu chính của chúng tôi khi mở văn phòng là tập trung bán bản quyền cho các đài truyền hình có yêu cầu. Từ năm ngoái, chúng tôi đã nghĩ đến việc thay đổi cơ cấu để hướng đến việc phát triển theo hướng toàn diện hơn."
"Chúng tôi sẽ tiến hành toàn cầu hóa giải đấu, mang giải đấu đến gần hơn với người hâm mộ châu Á cũng như toàn thế giới để phục vụ khán giả một cách ngày càng tốt hơn."
Tạo nên cộng đồng fans Bundesliga tại châu Á
Tôi rất có ấn tượng với việc toàn cầu hóa bóng đá. Vì thế, tôi đã có những trao đổi với Kevin về những kế hoạch phát triển hình ảnh của giải đấu đến với châu Á - nơi có dân số nhiều nhất thế giới.
Kevin chia sẻ: "Với tôi, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường đặc biệt để phát triển bóng đá. Ở nhiều nơi tại khu vực này, bóng đá là môn thể thao số một, thậm chí ở những nơi bóng đá không phải là môn thể thao hàng đầu thì sức hút của nó vẫn rất lớn."
"Khẩu hiệu của chúng tôi là Football as it's meant to be (tạm dịch: Hãy để bóng đá đến với khán giả theo đúng nghĩa của nó). Bundesliga là giải đấu để phục vụ người hâm mộ. Điều đó lý giải vì sao ra vé rất rẻ và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các trận đấu. Chúng tôi muốn giải đấu phát triển đến toàn thế giới với lượng người hâm mộ ngày một gia tăng."
"Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp các CLB có thêm nhiều CĐV. Khó khăn của chúng tôi là các trận đấu diễn ra ở Đức nên nếu muốn mang giải đấu đến thị trường châu Á, chúng tôi sẽ buộc phải đưa nhiều thành phần tham dự giải đấu đến châu Á nhiều hơn nữa."
"Trên thực tế, chúng tôi thường xuyên mời các huyền thoại của giải đấu đến với châu Á. Cùng với đó là các chương trình diễu hành của chiếc Cup Bundesliga."
"Thêm vào đó, với thị trường châu Á thì việc quảng bá sản phẩm trên các ứng dụng di động và mạng xã hội cũng vô cùng quan trọng."
Địa phương hóa các nội dung sản phẩm
Cuộc trò chuyện tiếp tục với những thử thách của sự đa dạng văn hóa tại châu Á.
Kevin bày tỏ thêm: "Tất nhiên, sẽ có những khoảng cách nhất định giữa các nội dung gốc và nội dung cần được truyền tải đến khán giả bởi nội dung sản phẩm gốc của chúng tôi hầu hết bằng tiếng Đức. Vì thế, chúng tôi cần tạo ra thêm những sản phẩm có thể tiếp cận gần hơn với khán giả toàn cầu, ví dụ đơn giản như thêm hashtag #pundesliga sau một số bài viết nhất định."
"Bước tiếp theo là tăng cường những nội dung bằng ngôn ngữ địa phương và phù hợp với nhu cầu của cổ động viên địa phương."
"Đó chắc chắn là thử thách mà chúng tôi cần phải vượt qua, điều đó càng khó khăn hơn với đặc thù của châu Á. Tại châu lục này, ngay trong một quốc gia cũng đã có nền văn hóa rất đa dạng. Ví dụ điển hình nhất là Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á."
"Chúng tôi cũng tiến hành tuyển dụng thêm nhiều nhân viên địa phương. Tôi là một ví dụ. Tôi là nhân viên đầu tiên không dùng tiếng Đức làm việc tại văn phòng này."
"Một thuận lợi cho chúng tôi khi phát triển ở thị trường châu Á là rất nhiều cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc đang thi đấu tại Bundesliga."
Các cầu thủ châu Á thành công tại Bundesliga
Tôi đã nghĩ đến việc ý tưởng "#pundesliga" sẽ không thật sự khả thi bởi quan điểm của người Đức và người châu Á là không giống nhau. Tôi đã hỏi điều này với Kevin và anh ấy không làm tôi thất vọng.
Kevin nói: "Tôi nghĩ có nhiều điểm giống nhau giữa Bundesliga và các giải đấu châu Á. Các cầu thủ châu Á rất chăm chỉ và hoạt động tích cực vì đội bóng, vì tập thể. Đó là những yếu tố các giải đấu ở Đức rất cần. Điều đó lý giải vì sao Bundesliga càng ngày càng có nhiều cầu thủ châu Á."
"Bundesliga đã đầu tư vào cơ sở vật chất 1.4 tỷ USD từ năm 2002. Các cầu thủ trẻ châu Á đến với giải đấu từ khi còn trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận những thiết bị, những công cụ bổ trợ tân tiến nhất."
Thật sự là một giải đấu toàn cầu
Kết thúc câu chuyện, tôi đã hỏi Kevin về một số kế hoạch cho sự quảng bá giải đấu sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Kevin chia sẻ: "Chúng tôi có một hệ thống huyền thoại, những người đã chơi hay trước đây ở các mùa giải Bundesliga trong quá khứ. Chủ yếu họ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc."
"Có một điểm đáng lưu ý là Bundesliga luôn mang đến lợi ích lớn cho các CLB, 34 trong số 36 CLB tham dự hai giải đấu hàng đầu của hệ thống Bundesliga thu về được lợi nhuận. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng đều của giải đấu này. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục hoạt động để mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng ở thị trường châu Á.