Bóng đá Việt Nam

Chuyện ở Giải hạng Nhất quốc gia 2019: “Quả bom nổ chậm” mang tên CLB Bình Định!

Vậy là sau quãng thời gian dài chờ đợi trong lo âu, phấp phỏng, giải hạng Nhất quốc gia 2019 cũng chính thức khai màn với 6 cặp đấu vừa diễn ra cách đây vài ngày. Trong số 12 tập thể này, “đội bóng đất Võ” Bình Định đã và đang nhận được sự “quan tâm” đặc biệt của cả làng bởi họ là tập thể vừa “đội mồ sống dậy”.

Cũng giống như CLB Nam Định ở V.League 2018 và nhiều đội bóng khác, căn nguyên khiến bóng đá Bình Định “dở sống dở chết” không gì khác ngoài… “bệnh thiếu tiền”. “Không thể trả lương đúng hạn nên rất nhiều học trò đã xin ban huấn luyện cho tìm bến đỗ mới và chúng tôi đành phải đồng ý. Thời điểm khai mạc giải chỉ còn tính bằng ngày nhưng trong tay chúng tôi chỉ có hơn chục cầu thủ” – HLV Phan Tôn Quyền than thở. Chừng ba tuần trước giờ khai cuộc, ban lãnh đạo CLB đã đồng ý cho những cầu thủ còn lại “tùy nghi di tản”, đội bóng cũng tạm dừng hoạt động để… chờ đợi phép màu.

Và con tàu đắm Bình Định đã được trục vớt thế này đây! – trong cuộc gặp với lãnh đạo CLB Bình Định trước thềm mùa giải, tân Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Cao Văn Chóng đã ra sức an ủi và tận dụng mối quan hệ để thỏa thuận với đội bóng cũ (ông Chóng từng có nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo ở B.Bình Dương), “điều” từ sân Gò Đậu về sân Bình Định 4 cầu thủ thuộc lứa U19 cho… đủ quân số. Về ngân sách, lãnh đạo tỉnh, CLB và VFF cũng thống nhất phương án “chẳng giống ai” là vừa thi đấu, vừa kêu gọi tài trợ. Có người, có tiền (dù ngân sách chỉ là lời hứa ở… thì tương lai), Bình Định quyết định tiếp tục cuộc chơi và có trận mở màn chia điểm với Đồng Tháp ở vòng 1.

Chuyển động ở sân Quy Nhơn có nhiều điểm tương đồng với những gì đã xảy ra ở sân Cà Mau tại giải hạng Nhất cách đây 3 mùa bóng. Năm ấy, bế tắc về tài chính khiến đội bóng nơi cực Nam Tổ quốc cũng đứng trước khả năng giải thể và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam Võ Quốc Thắng cũng phải thân chinh gặp gỡ, tìm lối thoát. Theo gợi ý của ông Thắng, CLB Cà Mau được “hô biến” thành… công ty cổ phần. Một số doanh nghiệp địa phương đồng ý cùng “đứng tên” khiến vốn điều lệ tăng vọt. Dĩ nhiên nguồn vốn này chỉ là con số ảo. Trên thực tế, CLB Cà Mau không hề có sự đột phá nào về tiền tài trợ và hệ quả là bóng càng lăn, khoản nợ lương cầu thủ càng chồng chất.

Vì lẽ đó, việc CLB Bình Định được giải cứu vào phút chót không mang lại tiếng “thở phào nhẹ nhõm” cho đội bóng cũng như ban tổ chức. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, những cá nhân, tổ chức có liên quan còn “vừa đá vừa run” vì chẳng biết “quả bom nổ chậm” mang tên Bình Định bao giờ mới được tháo ngòi.

Trên cương vị lãnh đạo VFF, VPF, chúng tôi tin rằng cá nhân ông Chóng (trong quá khứ là cựu bầu Võ Quốc Thắng) đều thừa hiểu việc giải cứu này chỉ là giải pháp tình thế nhưng buộc phải “nhắm mắt làm ngơ”, cốt sao cho Giải hạng Nhất có đủ số lượng đội bóng tham dự. Còn từ nay đến hết mùa giải, Bình Định có tìm được doanh nghiệp “hà hơi tiếp sức” hay không thì đành… phó mặc cho số phận.

Mà diễn biến sân cỏ nước nhà đã chứng minh, khi một tập thể không có sự “chống lưng” từ nhà tài trợ cũng đồng nghĩa “án tử” luôn treo lơ lửng trước mặt!