Bản tin

Bản tin chiều 1/7: lịch sử “đe dọa” cơ hội đi tiếp của Tây Ban Nha

‘Mascherano lập kỷ lục về số thẻ phạt tại các kỳ World Cup, FIFA tước vai trò đại sứ của Maradona’ là những tin chính trong bản tin chiều 1/7.

Mascherano nhận nhiều thẻ phạt nhất tại các kỳ World Cup

Phút 43 trận đấu giữa Pháp và Argentina, Mascherano phải nhận thẻ vàng từ trọng tài sau pha phạm lỗi với Kante. Đây là chiếc thẻ thứ bảy của tiền vệ 34 tuổi tại các vòng chung kết World Cup. Chưa cầu thủ nào bị phạt thẻ nhiều như vậy tại sân chơi này, kể từ khi luật thẻ vàng, thẻ đỏ được đưa vào World Cup 1970.

Mascherano nhận tổng cộng bốn thẻ vàng ở 2 kỳ World Cup 2006 và 2010, trước khi bị cảnh cáo ở chung kết World Cup 2014. Tại vòng bảng World Cup 2018, anh bị dính thẻ trong trận gặp Nigeria. Kỷ lục trước đó thuộc về Zinedine Zidane và Javier Zanetti.

FIFA tước vai trò đại sứ của Maradona

Theo tờ Vanguard của Nigeria, FIFA đã chấm dứt vai trò đại sứ huyền thoại của Maradona vì hành vi giơ ngón tay thối trong trận Nigeria – Argentina ở vòng bảng World Cup 2018, đồng thời khuyến cáo cựu ngôi sao Argentina hành xử đúng mực và tôn trọng người hâm mộ trong phần còn lại World Cup 2018. Hành động phản cảm của Maradona trong trận gặp Nigeria ảnh hưởng nhiều đến FIFA, do hình ảnh được phát trực tiếp trên toàn thế giới và nhận vô số chỉ trích từ các CĐV và giới truyền thông. Trong quá khứ, Maradona cũng từng phạm luật của FIFA, khi hút thuốc nơi công cộng và phân biệt chủng tộc với CĐV Hàn Quốc.

Tây Ban Nha chưa từng thắng chủ nhà tại các kỳ World Cup

Lịch sử không đứng về phía đội bóng bán đảo Iberia trước trận gặp Nga ở vòng 1/8 World Cup 2018. Tây Ban Nha chưa bao giờ thắng các đội chủ nhà ở những giải đấu lớn là World Cup và Euro. Tại sân chơi thế giới, Tây Ban Nha hòa hai và thua hai. Còn ở sân chơi châu lục, thành tích này là hòa hai và thua ba. Lần cuối cùng tuyển Tây Ban Nha ghi bàn trước một đội chủ nhà World Cup và Euro đã tới 68 năm. Vào kỳ World Cup 1950, Igoa ghi bàn duy nhất ở trận thua 1-6 trước chủ nhà Brazil. Kể từ đó, họ trải qua sáu trận mà không có bàn thắng trước các đội tuyển chủ nhà là Italy (Euro 1980), Pháp (Euro 1984), Đức (Euro 1988), Anh (Euro 1996), Hàn Quốc (World Cup 2002) và Bồ Đào Nha (Euro 2004).

Pháp mất trụ cột tuyến giữa ở tứ kết

Trong trận gặp Argentina ở vòng 1/8, tiền vệ Matuidi phải nhận một thẻ vàng sau pha phạm lỗi với Messi. Đây là thẻ vàng thứ hai của cầu thủ đánh chặn người Pháp và đủ để dẫn tới án treo giò một trận. Anh sẽ vắng mặt trong trận tứ kết với Uruguay. Bên cạnh Matuidi, vòng 1/8 có 53 cầu thủ sẽ bị treo giò nếu nhận thêm một thẻ vàng. Croatia là đội dẫn đầu với tám cầu thủ. Hai đội xếp tiếp theo có cùng sáu cầu thủ là Bồ Đào Nha và Argentina (đã bị loại). Messi, Ronaldo và Neymar đều có tên trong danh sách. Theo luật mới của FIFA, sau vòng tứ kết, các cầu thủ có một thẻ vàng sẽ được xóa. Điều này đảm bảo bốn đội vào bán kết đều “sạch sẽ” và giảm nguy cơ có cầu thủ bị treo giò trong trận chung kết.

Mbappe bắt kịp kỷ lục của Pele

Tiền đạo người Pháp trở thành cầu thủ tuổi teen thứ hai sau Pele lập cú đúp trong một trận đấu thuộc vòng knock-out World Cup. Kỷ lục của Pele được thiết lập tại bán kết World Cup 1958, khi “Vua bóng đá” lập hat-trick giúp Brazil thắng Pháp 5-2. Thời điểm đó, Pele mới 17 tuổi 244 ngày. 60 năm sau, khi lập cú đúp giúp Pháp hạ Argentina 4-3 tại vòng 1/8, Kylian Mbappe mới 19 tuổi và 193 ngày. Tính cả ở vòng bảng, Mbappe mới là cầu thủ tuổi teen thứ ba ghi ít nhất hai bàn trong một trận tại World Cup. Trước Mbappe và Pele, Manuel Rosas cũng từng làm được điều này cho Mexico ở… World Cup 1930.