World Cup 2018

Lịch sử World Cup: Nếu VAR xuất hiện sớm hơn!

Kể từ khi được đưa vào áp dụng trong bóng đá cách đây hai năm, công nghệ VAR đã giúp gia tăng tỉ lệ quyết định tình huống chính xác của trọng tài từ 93% lên thành 99%. Hãy cùng Football Tribe Vietnam điểm lại những tình huống có thể thay đổi lịch sử World Cup nếu VAR xuất hiện sớm hơn.

Brazil vs Thụy Điển (1970)

Phút 90 trận Brazil gặp Thụy Điển tại World Cup 1978, Zico bật cao đánh đầu tung lưới Thụy Điển từ quả phạt góc của Nelinho. Tuy vậy không có bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 nào dành cho Selecao. Nguyên nhân: trọng tài Clive Thomas đã thổi còi trước khi bóng bay vào lưới. Trận đấu khép lại ở thời điểm quả bóng ở trên không trung.

Trận hòa gián tiếp khiến Brazil phải nằm chung bảng với chủ nhà Argentina ở giai đoạn vòng bảng thứ hai và bị loại, chấm dứt hi vọng làm nên trận chung kết trong mở của giải. Giới mộ điệu, các cầu thủ Brazil đều công khai bày tỏ sự phẫn nộ với cách điều khiển trận đấu của vua áo đen người Xứ Wales. FIFA từ đó bổ sung thêm quy định: nếu trận đấu chưa kết thúc khi có một đội được hưởng quả phạt (bất kể là phạt góc, phạt đền hay phạt trực tiếp), trọng tài chỉ được nổi còi kết thúc trận đấu khi tình huống ấy đã trôi qua.

https://www.youtube.com/watch?v=QsZ2Qfuwc_Q

Đức vs Pháp (1982)

Trong một pha lao ra tranh chấp, thủ thành Harald Schumacher của Đức hạ "knock-out" trung vệ Patrick Battiston bên phía Pháp. Battiston được cáng ra sân trong tình trạng bất tỉnh nhân sự, mất hai chiếc răng và nứt ba chiếc xương sườn. Michel Platini sau này cho biết ông sợ đồng đội đã chết khi chứng kiến tận mắt cú va chạm.

Đáng ngạc nhiên là Schumacher không phải chịu bất cứ án phạt nào từ trọng tài Charles Corver sau hành vi bạo lực trên, thậm chí tỏ ra dửng dưng thay vì tiến tới hỏi thăm tình trạng nạn nhân. Thủ thành người Đức trở thành kẻ thù của cả nước Pháp khi phát biểu mang tính thách thức: "Tôi sẽ trả tiền trồng răng cho anh ta, vậy thôi."

Argentina vs Anh (1986)

Diego Maradona cao 1m65, đánh bại thủ môn Peter Shilton cao 1m83 trong pha không chiến bằng cách đưa cánh tay đẩy trái bóng vào lưới ĐT Anh. Pha lập công được thế hệ sau vẫn biết tới với danh xưng "Bàn tay của Chúa" mở đầu cho màn lội người dòng của Argentina trước Tam Sư.

"À, tất nhiên tôi sẽ phạt anh ta thẻ vàng rồi."

Trọng tài chính Al Bin Nasser hóm hỉnh trả lời khi được hỏi về tình huống năm xưa. Trong khi trợ lý trọng tài Bogdan Dotchev chỉ trích ông thậm tệ vì cho rằng việc tới từ một nền bóng đá ít có dịp cọ xát đỉnh cao như Tunisia đã khiến Bin Nasser bị Maradona dễ dàng "xỏ mũi".

Đức vs Argentina (1990)

Trận chung kết năm 1990 vẫn được biết tới như một trong những trận chung kết tẻ nhạt nhất lịch sử World Cup. Trong trận cầu bị bóp nghẹt bởi toan tính từ cả hai bên, trọng tài Edgardo Codesal trở thành tâm điểm khi đưa ra một loạt quyết định gây tranh cãi, khởi đầu bằng tấm thẻ đỏ trực tiếp với hậu vệ Argentian, Pedro Monzon sau pha tranh chấp với Jurgen Klinsmann ở phút 65.

Bảy phút trước khi hết giờ, vị vua áo đen người Mexico bị Rudi Voeller qua mắt với cú ngã vờ trong vòng cấm kiếm về cho Đức quả phạt đền. Từ chấm 11m, trung vệ Andreas Brehme ghi bàn duy nhất đưa Die Mannschaft lên đỉnh thế giới. Mối hận thiên thu giữa trọng tài Codesal và người Argentina được gia cố bằng thẻ đỏ dành cho tiền đạo Gustavo Dezotti vào cuối trận.

Tây Ban Nha vs Hàn Quốc (2002)

Tứ kết World Cup 2002, Tây Ban Nha đối mặt với chủ nhà Hàn Quốc. Đội bóng xứ sở bò tót chiếm thế thượng phong suốt cả trận nhưng không thể tìm kiếm bàn thắng. Trọng tài thêm một lần trở thành tâm điểm, lần này là vị vua áo đen người Ai Cập, Gamal Al-Ghandour. Ông bị lên án đã "bóp méo" trận đấu khi khước từ tới hai bàn thắng hợp lệ của Tây Ban Nha.

Đầu tiên ông cho rằng bóng từ chân Joaquin Sanchez tới đầu của Fernando Morientes đã đi hết đường biên ngang trước khi tiền đạo Tây Ban Nha ghi bàn. Sau đó là tình huống thổi việt vị với Ruben Baraja khi tiền vệ khoác áo Valencia đánh đầu tung lưới Lee Won Jae. Hai hiệp phụ kết thúc với tỷ số hòa 0-0, hai đội kéo nhau bước vào chấm luân lưu, nơi Tây Ban Nha gục ngã bởi cú sút hỏng của Joaquin.

Italia vs Australia (2006)

Trước khi trở thành người hùng của ĐT Italia với hai lần phá lưới Đức và Pháp, Fabio Grosso chấp nhận sắm vai "ác quỷ" để đưa Azzurri vượt qua Australia tại vòng 16 đội. Phút 90, hậu vệ  đang chơi cho Palermo có cú ngã vờ trong pha tranh chấp với Lucas Neill, kiếm về cho người Ý quả phạt đền.

Italia đi tiếp trong thế 10 chống 11 sau khi Totti hoàn thành nhiệm vụ từ cự ly 11m. Grosso sau trận khẳng định anh không hề ăn vạ, bất chấp mọi góc máy quay chậm đều chứng minh điều ngược lại.

Australia vs Croatia (2006)

Trước khi gục ngã dưới chân Italia, Australia cũng một lần chịu thiệt từ sai lầm của trọng tài tại vòng bảng. Trong trận cầu quyết định tấm vé đi tiếp với Croatia, "Chuột túi" phải chờ tới khi trung vệ Josip Simunic bên phía đối thủ nhận thẻ vàng thứ...ba để hưởng lợi thế hơn người. Không chỉ...đếm nhầm, trọng tài Graham Poll còn bỏ qua hai tình huống chạm tay trong vòng cấm, một pha ghi bàn từ thế việt vị ở trận đấu nói trên.

https://www.youtube.com/watch?v=Fx47uxjUjmQ

Đức vs Anh (2010)

Phút 38 trận tứ kết giữa Đức và Anh khi tỷ số đang là 2-1 nghiêng về Die Mannschaft, Frank Lampard chớp thời cơ sau một pha bóng lộn xộn để tung cú sút cầu âu về phía khung thành của Manuel Neuer. Thủ môn của tuyển Đức bó tay nhưng bóng lại đi trúng xà ngang, đập đất dội ra ngoài.

Xem lại pha quay chậm, trái bóng đã nằm sâu trong phần khung thành ĐT Đức, trọng tài Jorge Larrionda chỉ biết thốt lên "Lạy Chúa tôi!" sau khi xem lại tình huống. ĐT Anh thất bại 1-4 và phải dừng bước. Tất cả những gì Tam Sư nhận được sau trận là sự cảm thông từ dư luận.