World Cup 2018

Công nghệ VAR sẽ được sử dụng thế nào ở World Cup 2018

Sau rất nhiều tranh cãi, công nghệ ”trợ lý trọng tài qua video” (VAR) sẽ được sử dụng ở World Cup 2018. NHM kì vọng nó sẽ giúp các trọng tài đưa ra những quyết đinh chính xác nhất trong các trận đấu. Kính mời quý độc giả của Football Tribe Việt Nam xem cách thức vận hành của công nghệ này tại giải đấu ở Nga sắp tới. 

1. Mục đích sử dụng VAR

VAR có nhiệm vụ giúp cho quyết định của trọng tài trở nên chính xác hơn, nhờ việc ghi hình rõ nét các tình huống tranh cãi. Công nghệ này sẽ tạo điều kiện cho các trọng tài được xem lại hình ảnh quay chậm lại trước khi đưa ra những quyết định có thể thay đổi cục diện trận đấu như xác nhận bàn thắng, phạt đền hay thẻ đỏ.

2. Tổ trọng tài VAR

Lần đầu tiên sẽ có một tổ trọng tài VAR ở mỗi trận đấu World Cup. Mỗi tổ trọng tài có bốn thành viên phụ trách từng công việc cụ thể. Trợ lý thứ nhất chịu trách nhiệm theo dõi tiếp diễn biến trận đấu từ màn hình chính kịp thời theo sát các tình huống trên sân. Trợ lý thứ hai đặc biệt chỉ chịu trách nhiệm về các tình huống việt vị.

Trợ lý thứ 3 có trách nhiệm hỗ trợ chuyên viên VAR chính, tập trung đặc biệt vào giao thức và đảm bảo liên lạc thông suốt giữa toàn đội ngũ trọng tài. Vị trọng tài VAR còn lại cũng là người đứng đầu ekip này sẽ tổng hợp, phân tích tình huống và trực tiếp trao đổi với trọng tài chính để đưa ra quyết định cuối cùng.

Bên cạnh 4 chuyên viên VAR, mỗi trận đấu ở World Cup 2018 còn có 4 kỹ thuật viên phụ trách màn hình và các góc quay để cùng 1 đại diện của FIFA tại sân chiếu lại những quyết định kèm lời giải thích lên những màn hình khổng lồ.

3. Cách thức hoạt động

Fifa đã bổ nhiệm 13 quan chức để kiểm soát việc thực hiện vai trò của VAR tại World Cup. Tất cả những tín hiệu hình ảnh từ 12 sân vận động diễn ra các trận đấu sẽ được chuyển về phòng xử lý ở Trung tâm Truyền thông Quốc tế IBC ở Moscow, thông qua hệ thống mạng cáp quang chuyên biệt.

Mỗi trận đấu sẽ có 33 camera ghi hình, tám trong số đó đạt chuẩn quay siêu chậm, từ super slow-motion cho đến ultra slow-motion.

 

4. Xử lý lỗi việt vị

Đội ngũ trọng tài video sẽ được dành riêng thêm 2 camera chuyên quan sát lỗi việt vị. Kể từ vòng knock-out, các trận đấu có thêm hai camera ultra slow-motion đặt đằng sau mỗi khung thành để các trọng tài video có thể sử dụng.

5. Quy trình phối hợp với trọng tài chính

Nếu phát hiện ra lỗi, nhóm trợ lý VAR sẽ liên lạc với trọng tài trên sân thông qua tai nghe, tư vấn về lỗi. Sau đó, trọng tài có thể quyết định ngay lập tức trên thông tin đó hoặc chọn xem lại cảnh quay trên màn hình bên cạnh. Trong trường hợp thứ hai, trọng tài sẽ tự quyết định sau khi xem lại tình huống.

6. Những tình huống trọng tài được xem lại trên sân:

- Cầu thủ tấn công phạm lỗi trước khi ghi bàn

- Pha bóng việt vị

- Phạm lỗi dẫn đến Penalty

- Các tình huống dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp

7. Những trường hợp xin ý kiến trợ lý VAR:

- Bàn thắng xuất phát từ lỗi việt vị trước đó

- Tình huống bóng đã ra ngoài sân trước khi trở thành bàn thắng

- Phạm lỗi trong hay ngoài vòng cấm

- Tình huống bóng đã ra ngoài sân trước khi dẫn đến penalty

- Tình huống cầu thủ đã việt vị trước khi dẫn đến penalty

- Tất cả những tình huống nhận dạng sai cầu thủ cần thổi phạt