Bóng đá Anh

Tám cầu thủ vĩ đại nhất Premier League thập niên 90

Giải đấu cao nhất xứ sở sương mù được đổi tên thành Premier League vào năm 1992. Giai đoạn đầu Ngoại hạng Anh xuất hiện không ít những cầu thủ xuất chúng với cá tính riêng biệt góp phần đưa Premier League trở thành một trong những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.Tạp chí FourFourTwo đã lựa chọn ra 16 cầu thủ xuất sắc nhất Premier League thập niên 90 trong ấn phẩm “90s footballer”.

Kính mời độc giả cùng Football Tribe đến với những cái tên nổi bật nhất trong danh sách này.

8. GARY SPEED (LEEDS, EVERTON, NEWCASTLE)

Trong 10 năm đầu tiên kể từ ngày giải đấu Premier League chính thức “chào đời”, không cầu thủ nào có số trận thi đấu nhiều hơn Gary Speed. Cầu thủ người xứ Wales thể hiện sự bền bỉ tuyệt vời của mình khi chuyển đấu thi đấu cho Bolton Wanderers ở tuổi 35. Trong ba năm đầu quân cho đội chủ sân Macron, cầu thủ sinh năm 1969 đã có hai mùa giải thi đấu đủ tất cả các trận đấu của Bolton.

Gary Speed từng lên ngôi vô địch giải đấu cao nhất nước anh với Leed United ở mùa giải 1991/1992, trước khi giải đấu đổi tên thành Premier League. Speed sau đó có lần lượt hai và sáu mùa giải chơi bóng cho Everton và Newcastle. Gary Speed đứng thứ năm trong danh sách cầu thủ có nhiều trận ra sân nhất giải đấu số một xứ sương mù với. Cựu đội trưởng Newcastle ghi được 80 bàn thắng và có 44 đường kiến tạo sau 535 trận đấu.

7. GIANFRANCO ZOLA (CHELSEA)

Trước khi có cuộc phiêu lưu tại Anh, Gianfranco Zola từng là thành viên trong đội hình giành chức vô địch Serie A của Napoli cùng với Diego Maradona năm 1990. Ông tham dự World Cup 4 năm sau và có tên trong đội hình xuất sắc nhất châu Âu năm vào năm 1995 nhờ những màn trình diễn tuyệt vời trong màu áo Parma. Tuy nhiên việc Chelsea, đội bóng có sáu mùa liên tiếp kết thúc mùa bóng nằm ngoài Top 10, chiêu mộ ‘Quỷ lùn’ khi đã 30 tuổi nhận được nhiều dấu hỏi. Người Anh đã nghi ngờ rằng Chelsea mua Zola vì bản lý lịch chứ không phải vì những gì mà cầu thủ sinh năm 1966  có thể làm được trên đất Anh.

Trong mùa giải 1996/1997, Zola giúp The Blues chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài 26 năm bằng việc giành cup FA. Cũng trong mùa giải đầu tiên ở Premier League, tiền đạo người Italia ghi được 12 bàn sau 30 trận giúp Chelsea cán đích ở vị trí thứ sáu. Còn Zola nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất mùa do các nhà báo Anh bầu chọn. Kể từ thời điểm này, Chelsea chính thức chuyển mình để trở thành một kẻ thách thức thực sự ở Ngoại hạng Anh và trên cả bình diện châu lục. Mùa 1998/99, The Blues về đích ở vị trí thứ 3 – thứ hạng cao nhất của họ tại giải đấu hàng đầu nước Anh kể từ mùa 1969/70. Nhờ thứ hạng đó, Chelsea lần đầu tiên xuất hiện ở Champions League mùa 1999/00 và Zola tiếp tục là kiến trúc sư cho hành trình vào tới tận tứ kết của The Blues

Năm 2003, người hâm mộ Chelsea đã bình chọn Zola là cầu thủ xuất sắc nhất từng thi đấu cho The Blues. Đến năm 2007, “Quỷ lùn” được các nhà báo Anh đưa vào danh sách "10 cầu thủ nước ngoài ấn tượng nhất trong lịch sử Premier League". Zola đứng ở vị trí thứ 2, sau huyền thoại George Best.

6. MATT LE TISSIER (SOUTHAMPTON)

Ở mùa giải 1993/94 khi Premier League vẫn thi đấu với 42 vòng đấu (22 đội), Matt Le Tissier kết thúc cuộc đua giành danh hiệu Chiếc giày vàng ở vị trí thứ ba với 25 bàn thắng (xếp sau Alan Shearer 31 bàn và Andy Cole 34 bàn). Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng Matt Le Tissier không phải một tiền đạo thực thụ, vị trí sở trường của cầu thủ người Anh là tiền vệ tấn công. Số bàn thắng của Matt Le Tissier chiếm 51% số bàn thắng Southampton ghi được ở mùa giải năm đó (49 bàn), giúp  đội bóng miền nam nước Anh trụ hạng thành công (đứng ở vị trí thứ 18/22 đội, chỉ hơn nhóm xuống hạng đúng một điểm).

Trong sự nghiệp cầu thủ kéo dài từ năm 1986 cho đến năm 2002,  cầu thủ sinh năm 1968  đã dành đến 16 năm để gắn bóng với đội bóng Southampton. Matt Le Tissier đứng thứ hai trong danh sách những chân sút vĩ đại nhất lịch sử CLB Southampton khi ghi được 210 bàn thắng sau 540 trận. Le Tissier chính là tiền vệ đầu tiên đạt đến cột mốc 100 bàn thắng ở Premier League. Số 7 huyền thoại của The Saints.

5. RYAN GIGGS (MAN UNITED)

Ryan Giggs từng ghi ba bàn thắng vào lưới U15 Manchester United khi còn đang thi đấu cho Salford Boys trong một trận đấu giao hữu diễn ra vào Giáng sinh năm 1986. Chỉ nửa tháng sau, một người đàn ông tự xưng là Joe Brown gõ cửa nhà Giggs. Joe Brown là tuyển trạch viên của Man Utd, và ngày hôm đó đi cùng với một người khác: Sir Alex Ferguson. Giggs được thuyết phục gia nhập Man Utd và mối lương duyên vĩ đại giữa ngôi sao người Xứ Wales với Quỷ đỏ thành Manchester bắt đầu.

Trong lứa '92 huyền thoại của Manchester United, Giggs là người đầu tiên được đôn lên đội hình chính. Sự tiến bộ vượt bậc của cầu thủ người xứ Wales đã tạo động lực cho những David Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt hay hai anh em nhà Neville bước ra ánh sáng sau này. Một trong những khoảnh khắc thiên tài nhất của Giggs chính là pha solo không tưởng vào lưới Arsenal để đem về chiến thắng cho MU ở trận bán kết cúp FA mùa 1998/1999. Sau này, bàn thắng đó được bình chọn là pha lập công đẹp nhất lịch sử giải đấu.

"Chỉ có hai người khiến tôi bật khóc khi xem bóng đá, một là Maradona và người kia là Ryan Giggs", huyền thoại Alessandro Del Piero đã từng trả lời Sky Sports khi được hỏi về cựu tiền vệ người xứ Wales. Giống như người đồng hương Gary Speed, Ryan Giggs thể hiện sự bền bỉ tuyệt vời của mình khi đứng thứ hai trong danh sách cầu thủ có nhiều trận ra sân nhất giải đấu số một nước Anh. Giggs góp mặt trong 632 trận đấu tại Premier League, trong đó có 522 trận ra sân ở đội hình xuất phát.

4. ROY KEANE (NOTTINGHAM FOREST, MAN UNITED)

Roy Keane được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu của Ngoại hạng Anh mùa giải 1992/1993 mặc dù chỉ thi đấu cho Nottingham Forest, đội bóng kết thúc ở vị trí 20 trên bảng xếp hạng. Với phong độ xuất sắc, cầu thủ người Ireland lập tức nhận được sự quan tâm của Blackburn Rovers hay Arsenal. Ban lãnh đạo Blackburn đã đạt được thỏa thuận trước với Roy Keane. Tuy nhiên, chỉ một ngày trước khi bản hợp đồng chính thức được ký kết, Sir Alex Ferguson đã gọi điện và thuyết phục Roy Keane  hủy bỏ bản hợp đồng với đội bóng vùng Lancashire. Và chỉ trong vòng 2 tuần sau, Roy Keane chính thức trở thành người của "Quỷ đỏ" với cái giá 3,7 triệu bảng - một kỷ lục thời bấy giờ - trước sự bất ngờ của Blackburn Rovers.

Mùa Hè 1997, sự chia tay bóng đá đột ngột của Eric Cantona khiến Sir Alex Ferguson phải đưa ra một quyết định tranh cãi: trao băng thủ quân cho Roy Keane. Mùa giải 1997/98 khi ra mắt trên cương vị đội trưởng, cầu thủ sinh năm 1971 chỉ thi đấu có 11 trận. Màn truy bắt Alf-Inge Haaland tại Elland Road (Man City) khiến Roy Kean bị đứt dây chằng chéo. M.U đánh mất lợi thế khoảng cách 11 điểm với Arsenal để nhìn đối thủ đăng quang vào cuối mùa. Và Sự vắng mặt của Keane được cho là nguyên nhân chính.

Roy Keane trở lại mạnh mẽ ở mùa giải 1998/1999 và có một trong những mùa giải xuất sắc nhất trong sự nghiệp để giúp Man United giành cú ăn ba huyền thoại. "Đó là sự hiển thị mạnh mẽ nhất của sự bất cần mà tôi từng chứng kiến trên sân bóng. Vượt qua mọi lưỡi cỏ, tranh đấu như thể anh ta muốn chết vì kiệt sức thay vì mất bóng, anh ta truyền cảm hứng cho tất cả mọi người xung quanh. Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được kết hợp với một cầu thủ như vậy", đó là lời cảm thán của Sir Alex khi chứng kiến phong độ của Keane trong trận lượt về bán kết Champions League trên sân Juventus.

3. DENNIS BERGKAMP (ARSENAL)

“Những cầu thủ khác thường háo hức với việc ghi bàn nhưng đối với tôi, kiến tạo để đồng đội lập công cũng thú vị không kém. Nó giống như việc giải một câu đố. Tôi luôn tưởng tượng trận đấu giống như một bức tranh và tôi sẽ tính toán điều gì sẽ xảy ra ngay sau đó hai hoặc ba giây. Việc nhìn thấy điều mà những người khác không thể nhìn thấy thú thực là niềm vui lớn với tôi”, Dennis Bergkamp trả lời phỏng vấn của FFT năm 2011. Những con số cũng minh chứng cho lời nói của huyền thoại người Hà Lan: Bargkamp chỉ ghi được 120 bàn thắng nhưng lại có đến 166 đường kiến tạo trong 423 trận thi đấu cho Pháo thủ.

Đối với nhiều cổ động viên của Arsenal, việc bổ nhiệm Arsene Wenger chỉ là quyết định hệ trọng thứ nhì trong công cuộc tái cấu trúc Arsenal, chiêu mộ Bergkamp mới chính là quyết định quan trọng nhất. Trải qua 11 mùa giải làm việc với HLV người Pháp, Bergkamp góp phần quan trọng giúp Arsenal có được ba chức vô địch NHA, bốn chiếc cup FA và ba lần giành siêu cup Anh.

Sự nghiệp của Bergkamp kết thúc trong trận đấu mà Arsenal để thua Barcelona ở Stade de France, trên ghế dự bị trong trận chung kết Champions League. Vài tuần sau đó, Arsenal rời bỏ sân Highbury để chuyển sang Emirates. Nhưng Bergkamp, cũng như chính Highbury, đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử như chia sẻ của HLV Arsene Wenger: “Tôi tin Dennis Bergkamp đã góp phần tạo nên tính cách và giá trị của Arsenal. Anh ấy làm thế bằng đẳng cấp trác tuyệt của một cầu thủ của một con người”.

2. ALAN SHEARER (BLACKBURN, NEWCASTLE)

Alan Shearer khởi đầu sự nghiệp trong màu áo Southampton và không mất nhiều thời gian để thể hiện khả năng sát thủ bẩm sinh của mình khi lập được cú hat-trick giúp Southampton thắng Arsenal 4-2. Shearer trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử lập được hat-trick trong khuôn khổ giải đấu bóng đá cao nhất nước Anh, khi mới 17 tuổi 240 ngày. Cựu cầu thủ Southampton chuyển sang thi đấu cho Blackburn Rover ở hè 1992 với giá kỷ lục 3,6 triệu bảng ở thời điểm đó. Trải qua bốn mùa giải cùng với đội chủ sân Ewood Park, Alan Shearer ghi được 112 bàn thắng sau 138 trận và giúp Rovers có chức vô địch NHA lịch sử mùa giải 1994/1995.

Trải qua mùa giải 1995/1996 đầy thất vọng khi chỉ cùng Blackbunr kết thúc ở vị trí thứ bảy, Alan Shearer có lần thứ hai từ chối chuyển sang Man United để quyết định chuyển sang thi đấu cho Newcastle United - đội bóng mà Shearer đã đam mê từ thời thơ ấu. Tờ Telegraph khi đó đã phải thốt lên: "Có gã điên nào lại từ chối việc được gia nhập một đội bóng như Man Utd cơ chứ”.

Shearer  ghi được 206 bàn sau 404 trận đấu cho Chích chòe. Huyền thoại người Anh chỉ mất 212 trận để đạt cột mốc 150 bàn – nhanh nhất trong lịch sử Premier League.

1. ERIC CANTONA (LEEDS, MAN UNITED)

Ngày 26/11 năm ngoái, các CĐV M.U kỷ niệm tròn 25 năm đội chủ sân Old Trafford ký hợp đồng với Eric Cantona. Vào thời điểm Cantona đến với Premier League, giải đấu chỉ có vỏn vẹn 37 cầu thủ nước ngoài và Man United thì chưa từng mua bất kỳ cầu thủ người Pháp nào trong lịch sử.  Sự ảnh hưởng của huyền thoại người Pháp lên toàn giải đấu được tóm gọn trong câu nói của một huyền thoại khác nhưng là trên băng ghế huấn luyện, Sir Alex Ferguson: “Eric đã mở ra cánh cửa để người Pháp đến với Premier League. Nếu không có cậu ấy , mọi chuyện đã không dễ dàng như ngày hôm nay

Hãy nhắc lại một chút về những gì đã xảy ra xung quanh thời điểm 26/11/1992. Đội chủ sân Old Trafford xếp thứ tám trên bảng xếp hạng và bản hợp đồng bom tấn vào mùa hè của Quỷ đỏ, Dion Dublin bị gãy chân. Trước khi Cantona đến, Manchester United đã trải qua 26 năm liên tiếp không có chức vô địch quốc gia nào. Thế rồi nhờ King Eric, Man United giành bốn chức vô địch Premier League trong năm mùa Cantona gắn bó. Đáng lẽ Cantona đã có giành trọn năm danh hiệu nếu như không có đêm định mệnh ở Selhurst Park, nơi chứng kiến cú kung-fu nổi tiếng của huyền thoại người Pháp vào CĐV Crystal Palace, Matthew Simmons.

Để nói về “chất” của người đội trưởng huyền thoại hãy lắng nghe một đội trưởng huyền thoại khác, cũng là người đàn em một thời của King Eric ở MU lên tiếng: “Cổ áo dựng, lưng thẳng, ngực luôn ưỡn ra, anh ấy bước đi như thể mình là chủ sân vậy. Bất kỳ sân vận động nào cũng thế, nhưng đặc biệt là tại Old Trafford. Đó là sân khấu của Cantona.”