Thành công của bóng đá trẻ Anh trong năm nay không đồng nghĩa với việc những tài năng trẻ của nước này có được tương lai tươi sáng.
Nhờ vào việc truyền thông thần thánh của Anh không can thiệp, Tam Sư trẻ có một năm đại thành công từ các lứa U17, U19, U20 và U21. Tuy nhiên, những cái tên làm nên chiến tích trong năm qua liệu có chỗ đứng tại CLB trong tương lai? Câu trả lời 80% là: KHÔNG.
Những đội tuyển trẻ như U19 và U21 có thể coi là bản lề cho một thế hệ tài năng của đội tuyển. Thế nhưng, mặc dù U19 và U21 luôn thường xuyên tiến sâu ở những giải trẻ của UEFA và FIFA, nhưng đội tuyển Anh mới chỉ một lầnlọt vào tứ kết các giải đấu chính thức kể từ kỳ World Cup 2002. Lý do cơ bản và rõ ràng nhất, là những tài năng trẻ của nước Anh không có đầu ra để phát triển tài năng. Quả bóng vàng U20 World Cup 2017 Dominic Solanke hiện đang là dự bị hạng sang ở Liverpool, Calvert Lewin cũng chỉ đang là dự bị tại Everton hay thậm chí Ademola Lookman còn không được lên cả đội 1. Tượng tự, những trụ cột tại đội U19 như Ben Brereton, Tammy Abraham… đều không có chỗ đứng tại các CLB chủ quản và đang phiêu bạt nơi các đội bóng nhỏ.
Trong vài năm qua, bóng đá Anh trở nên nổi tiếng khắp thế giới không phải là nhờ vào các danh hiệu tập thể hay cá nhân mà là sự “vô đối” trong mảng kiếm tiền. Áp lực danh hiệu và nguồn thu từ các đối tác khiến các CLB tại Anh không thể không đổ tiền vào TTCN nhằm tăng cường sức mạnh đội bóng. Sẽ không có chuyện một đội bóng tại Premier League chịu sử dụng một nửa đội hình là hàng tự đào tạo và lứa U kể cả cho đó là Swansea, Crystal Palace hay West Ham.
Cách đây 5 năm, Paul Wilson của The Guardian có viết, tuyển Anh cần học tập Tây Ban Nha trong việc phát triển cầu thủ trẻ nếu muốn thống trị thế giới như cái cách mà La Roja đã từng dù trước đó họ chỉ được xem là ông vua vòng loại tại các giải đấu lớn. Tom Cleverley, Jack Wilshere, Jack Rodwell hay Daniel Sturridge từng được so sánh với Xavi, Iniesta, Fabregas… trong quá khứ nhưng cái thiếu đó là họ “lớn lên” do truyền thông nhiều hơn là “trui rèn” thực tế ở các giải đấu trẻ, nơi khẳng định sự trưởng thành thật sự của một tài năng.
Việc không có nhiều cơ hội thi đấu vô hình chung lại “giết” những mầm non của bóng đá Anh. Độ tuổi 18-21 là độ tuổi mà các cầu thủ trẻ cần phải thi đấu thường xuyên nhằm tăng cường thể chất, tư duy và quan trọng nhất là kinh nghiệm thi đấu. Trăm hay không bằng tay quen, không khó hiểu tại sao rất ít những wonderkid nước Anh có thể tự tin chơi bóng ở tuổi 19, trong khi những cầu thủ cùng trang lứa chơi bóng như thể họ đã thi đấu chuyên nghiệp từ lâu.
Ngoại hạng Anh có thể là giải đấu hấp dẫn và sở hữu mặt bằng chung lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ không sở hữu những đội bóng mạnh nhất, và tất nhiên không sở hữu một đội tuyển quốc gia thuộc dạng “máu mặt.” Việc các cầu thủ Anh không có xu hướng xuất ngoại càng khiến các lựa chọn đủ trình độ đá tuyển của các HLV bị giảm đi, và thành tích của Tam sư cứ tụt dần mà không có xu hướng khởi sắc.