Bóng đá Đông Nam Á

Hãy làm quen với Chanathip phiên bản “Người không phổi”

Người hâm mộ Đông Nam Á nói chung và Thái Lan nói riêng đã rất quen thuộc với hình ảnh của một Chanathip rê qua 3-4 cầu thủ như lấy kẹo trong túi hay tung ra những đường chuyền chính xác tới từng milimet. Nhưng giờ đây, tại J League họ sẽ phải quen dần với hình ảnh khác của Chanathip, một “người không phổi”.

Kết quả hình ảnh cho chanathip consadole sapporo

Vì sao Chanathip lại là người không phổi?

Khi còn ở Muangthong United hay ĐT Thái Lan, Chanathip được miễn nhiệm vụ phòng ngự nên anh có cơ hội để phô diễn kỹ thuật của mình. “Messi Jay” được chạm bóng thường xuyên và anh đã làm khổ rất nhiều hàng phòng ngự. Từ những Brisbane Roar, Ulsan Hyundai ở AFC Champions League hay Australia, UAE, Iraq ở vòng loại World Cup 2018 đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi phải đối đầu với Chanathip.

Cầu thủ người Thái Lan này không phải là chuyên gia săn bàn nhưng anh biết cách tạo ra khác biệt với những pha di chuyển không bóng khôn ngoan, những cú đột phá gây bất ngờ hay chuyền bóng xé toang hàng phòng ngự đối thủ. Những phẩm chất đó chính là thứ giúp Chanathip 2 lần liên tiếp đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup.

Nhưng tại J League (J1) những hình ảnh đó sẽ trở nên ít đi. Hiện tại Consadole Sapporo đang đứng thứ 15/18 nên không khó hiểu khi họ chọn cách tiếp cận phòng ngự phản công trong hầu hết các trận đấu. Cả 2 trận Chanathip đá chính tại J1 cũng không phải ngoại lệ. Tuyển thủ QG Thái Lan hoạt động chủ yếu bên cánh trái và phần lớn thời gian anh chỉ chạy chỗ không bóng.

J League cũng như K League (Hàn Quốc) là hai giải đấu đòi hỏi các cầu thủ phải vận động với cường độ rất cao. Và Chanathip bước đầu thích nghi khá tốt. Trong trận thắng trước Urawa Reds anh chính là cầu thủ chạy nhiều nhất trên sân trước khi bị thay ra. Còn khi được chơi đủ 90 phút trận gặp Cerezo Osaka thì anh chạy quãng đường hơn 9,7km.

Việc Chanathip phải chạy nhiều vậy là vì anh tham gia cả phòng ngự lẫn tấn công. Giữ vị trí, duy trì khoảng cách với các đồng đội và che lấp khoảng trống. Chạy nhiều là một chuyện nhưng liệu điều đó có khiến “Messi Jay” không thể phô diễn kỹ thuật không?

“Người không phổi” vẫn có thể hóa thân thành “ảo thuật gia”

Dù chủ yếu đóng vai “người không phổi” song cầu thủ 23 tuổi vẫn biết cách thể hiện những phẩm chất kỹ thuật của mình. Từ trận giao hữu với CLB Muangthong, trận đọ sức với Cerezo Osaka ở J League Cup và 2 trận J1; Chanathip dù chạy nhiều nhưng vẫn để lại dấu ấn với vài pha xử lý rất “sáng”. Anh không chỉ chiếm lĩnh được không gian mà còn đập nhả mượt mà với các đồng đội, biết cách giữ và che bóng khi bị những cầu thủ cao to áp sát.

Tuyển thủ QG Thái Lan này thậm chí còn tạo được cơ hội ăn bàn cho đồng đội. Ngay trong trận thua Cerezo Osaka anh chính là người tung ra đường chọc khe hiểm hóc cho Daiki Suiga rút ngắn tỷ số xuống còn 1-3. Có thể nói đây là khởi đầu không thể tích cực hơn với cầu thủ được coi là niềm hy vọng của bóng đá Thái Lan.

Có thể nói, lối chơi của Consadole Sapporo cũng như sự khắc nghiệt của J League là hai yếu tố chính khiến Chanathip Songkrasin không có nhiều cơ hội để tỏa sáng và buộc phải thích nghi bằng cách hoạt động không biết mệt mỏi. Đây chính là hình ảnh mà mọi người sẽ phải làm quen dần khi theo dõi cầu thủ người Thái Lan này chơi bóng ở J1, dù vẫn sẽ có lúc anh để lại dấu ấn với những pha bóng đậm chất kỹ thuật.