Bóng đá Anh

BÌNH LUẬN: Chia tay Rooney, United chia tay biểu tượng thất bại của van Gaal

Wayne Rooney đã bị bán sáng Everton như một điều khoản trong vụ chuyển nhượng Romelu Lukaku tới Old Trafford. Tuy ngày Rooney tạm biệt Manchester đã khiến rất nhiều fan Quỷ đỏ tiếc nuối, nhưng đây là một bước đi cần thiết để United tái tạo sau ba năm thảm họa dưới trướng David Moyes và Louis van Gaal.

Một Rooney mà rất nhiều cổ động viên Quỷ đỏ ghi nhớ,  anh là ai?

Là cầu thủ, không, nói chính xác hơn, một con thú. Một con thú chạy trên sân cỏ đúng với bản năng.

Một con thú sút, đi bóng, pressing áp sát đối phương, xoạc bóng, chạy dọc sân phòng ngự và tấn công như thể không còn ngày mai. Một con thú bất trị, sẵn sàng “cà khịa” với đối thủ lẫn trọng tài, luôn sẵn sàng có những pha vào bóng quyết liệt  thừa mức cần thiết.  Một con thú vào sân với cơn nóng giận với những cú sút uy lực như thể xả bớt cơn bực tức đó.

Đó là hình ảnh mà rất nhiều các Manucians nhớ đến về số 10 của họ, nhớ về một sự máu lửa của chàng trai tuổi đôi mươi dù không ít lần, những sự máu lửa đó đã đem đến rắc rối cho CLB. Nhưng rồi, người ta cũng bỏ qua những tấm thẻ đỏ do vỗ tay “trêu” trọng tài, giẫm vào chỗ hiểm đối phương, ném quả bóng vào mặt trọng tài. Lý do rất đơn giản, bởi họ đều biết một tuần sau án treo giò, Rooney sẽ lại cống hiến hơn 110% sức lực cho United.

Đó không chỉ là hình ảnh của Rooney người ta nhớ đến, đó chính là hình ảnh người ta nhớ về một Quỷ đỏ đích thực dưới thời Sir Alex Ferguson. Một Manchester United trong đỉnh cao, với những chàng công nhân với những bước chạy rực lửa. Một United không nhiều ngôi sao trong đội hình, nhưng cả tập thể đều sẵn sàng “cháy” vì màu áo đỏ của đội bóng.

Nhưng có một Rooney rất khác kể từ thập kỷ mới. Một Rooney bắt đầu ì ạch hơn, không còn nhiều những bước chạy thần tốc khi mới về Old Trafford. Một Rooney ra dáng đàn ông “kiểu mẫu” hơn, không còn nhiều những pha lùm xùm trên và ngoài sân cỏ. Một Rooney không còn có thể đá bóng bất cần đời thời còn trẻ, khi anh phải gánh vác trách nhiệm đội trưởng đội tuyển Anh. Pha đá nguội trong trận đấu với Macedonia vào năm 2011 có lẽ là hình ảnh đúng bản chất cuối cùng của “con thú” Rooney, khi anh không dám làm gì khi phải dẫn dắt đội bóng bị truyền thông soi mói nhiều nhất thế giới.

Khi Louis van Gaal lên nắm quyền, ông đã gây bất ngờ khi lựa chọn Rooney làm đội trưởng mới tại Manchester United thay vì cậu học trò cưng Robin van Persie. Và đó là một công thức của thảm họa, mở ra hai năm đen tối hơn cả thời của người tiền nhiệm David Moyes.

Thứ bóng đá của cả Moyes và van Gaal đã khiến fan Quỷ đỏ chán ngấy, nhưng Moyes lại chiếm nhiều thiện cảm của Manucians hơn. Đơn giản, với họ, dưới thời Moyes, Quỷ đỏ vẫn còn đó bản sắc của một đội bóng họ biết đến, một đội bóng tấn công máu lửa với tinh thần không bỏ cuộc đến tận phút cuối cùng.

Dưới thời Moyes, quyền ưu tiên tấm băng đội trưởng được dành cho Nemanja Vidic, Rio Ferdinand, Patrice Evra, Ryan Giggs, rồi mới đến Rooney. Cả bốn người trên đều đã ở sườn dốc sự nghiệp, đã đá bóng quá đủ lâu để hạn chế những tình huống điên rồ do nóng nảy quá mức. Nhưng cả bốn người đều biết cách để thúc giục tinh thần United, sẵn sàng đe nẹt đối phương lẫn trọng tài khi cần thiết.

Rooney thì sao? Mười ba năm ăn tập tại Carrington giúp anh trở thành thủ lĩnh phòng thay đồ, nhưng có cái gì đó rất khác. Trách nhiệm tấm băng thủ quân lẫn việc no nê danh hiệu, tiền bạc khiến anh “hiền” ra quá nhiều, không còn đó cái uy của một con thú đá bóng bất cần đời.

van Gaal xoay chuyển cả bổ mặt United khi bán gần hết dàn cầu thủ cũ tại United để đem về những cái tên hợp triết lý của ông. Lẽ dĩ nhiên, khi bạn là một người chân ướt chân ráo thi đấu một đội bóng mới, bạn cần người đội trưởng để nhìn vào mỗi khi đội gặp khó khăn. Việc đó quá khó khi bạn nhìn vào một Rooney-trở-nên-quá-hiền-lành.

Sau Rooney, những người được ưu tiên tấm băng đội trưởng của United gồm có ai? Chris Smalling mãi mãi không bao giờ lớn. Michael Carrick luôn đóng vai một người hùng thầm lặng. Juan Mata thì quá hiền lành. Có chăng, người duy nhất đủ đổ máu lửa để sở hữu tấm băng đội trưởng là…Marouane Fellaini, một “cái gai” trong mắt các CĐV Quỷ đỏ.

Để rồi, công thức van Gaal + Rooney để lại một mớ hỗn độn. United mua bán ồ ạt, các tân binh đến không hiểu được tầm vóc và tinh thần “United” của nửa đỏ thành Manchester. United để thua trận quá dễ dàng, các cầu thủ thay vì xốc lại tinh thần lẫn nhau lại nhanh chóng cúi đầu nhận thất bại. Thẳng thắn mà nói, khó ai có thể tìm được cảm hứng từ một đội trưởng đã hai lần đệ đơn xin chuyển nhượng khỏi Manchester United.

Bản sắc của United không phải đến từ cầu thủ trẻ của lò Carrington, đó là tinh thần chiến đâu không bỏ cuộc của một chiến binh, của những chàng trai chạy cày nát mặt sân Old Trafford.  Tấm băng đội trưởng có lẽ là thứ giúp Rooney ở lại Manchester suốt ba mùa giải vừa qua dù đã xuống phong độ rất nhiều, nhưng có lẽ so với những huyền thoại khác, anh chưa đủ tầm để gánh vác trách nhiệm trên.

Thời van Gaal đã kết thúc, Jose Mourinho đã phần nào tìm lại được cảm hứng chiến đấu cho học trò. United vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong việc tìm lại danh tính với dàn cầu thủ chưa có đến nổi 5 năm khoác áo Quỷ đỏ. Và để bước vào thời kỳ mới, họ cần phải loại bỏ tàn dư của thời kỳ van Gaal, và Rooney, biểu tượng thất bại của hai năm đen tối đó, đã phải rời Old Trafford.