Trong thời điểm bóng đá hiện đại tồn tại khái niệm “thay tướng đổi vận” thì điều đó vẫn không đúng đối với một số CLB tại Nhật Bản mà điển hình là 3 đội bóng Sanfrecce Hiroshima, Urawa Red Diamonds và Nagoya Grampus.
Cách đây một năm rưỡi, Sanfrecce Hiroshima sống trong thời kỳ đỉnh cao trong lịch sử của mình khi lên ngôi vô địch J-League lần thứ 3 trong vòng 4 năm. Dưới triều đại của Hajime Moriyasu, họ được đánh giá là một trong những đội bóng mạnh nhất Nhật Bản gần 20 năm qua, có thể chơi ngang ngửa với gã khổng lồ Nam Mỹ – River Plate tại bán kết FIFA Club World Cup 2015 nhưng vào lúc này, đoàn quân áo xanh đang phải đứng trước nguy cơ xuống hạng khi xếp áp chót BXH sau 15 vòng mùa này. Ở một vài giải vô địch quốc gia khác, điều này chắc chắn sẽ khiến Moriyasu bị sa thải nhưng với văn hóa Nhật Bản, tại Hiroshima lúc này, ông vẫn tại vị và chiến đấu cùng Sanfre.
Một phần tình cảm từ các CĐV khiến ban lãnh đạo đội bóng quyết định giữ lại chiến lược gia 48 tuổi – người đã giúp Sanfrecce Hiroshima làm nên lịch sử với 3 danh hiệu J-League, phần khác được giải thích chính là lối chơi cống hiến mà Moriyasu xây dựng tại đây phong cách chơi này tương tự như người tiền nhiệm Mihailo Petrovic xây dựng trước đó.
Sơ đồ 3-4-2-1 mà Moriyasu phát triển luôn giúp Hiroshima tấn công và tạo ra cơ hội trong trận đấu. Nếu tính riêng trung bình số cú sút tạo ra trong 1 trận, Sanfrecce Hiroshima là đội đứng đầu trong số 18 đội bóng tham dự J-League (trung bình 12,2 cú sút/trận), xếp ngay sau là Kashiwa Reysol và Kashima Antlers. Dù vậy, riêng mùa giải này, tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng của Hiroshima là khá thấp. Sự sa sút của Hiroshima không nằm ở chiến thuật của Moriyasu mà là chất lượng hàng tiền đạo khi BLĐ đội bóng quyết định để chân sút Peter Utaka ra đi. Trong suốt thời kỳ thành công của Sanfrecce Hiroshima, họ đều sở hữu một chân sút nằm trong top đầu J-League từ Hisato Sato cho đến Douglas và mới đây nhất là Utaka. Giờ đây, việc để hết trụ cột ra đi, đội bóng thật sự đang lầm vào thế khó khăn. Moriyasu không phải là không có kế hoạch B nhưng với những con người hiện tại, ông chưa thể giúp Hiroshima trở lại đỉnh cao như trước. Ưu tiên lúc này là trụ hạng và nếu sa thải Moriyasu – người đã mang đến thành công cho đội bóng từ trước đến nay, Sanfrecce Hiroshima chắc chắn sẽ khó gượng dậy nổi.
Một trường hợp tương tự Moriyasu là Mihailo Petrovic, cựu HLV của chính Sanfrecce Hiroshima nhưng hiện đang dẫn dắt Urawa Red Diamonds. Suốt 5 năm nắm quyền tại sân Saitama, HLV 59 tuổi này chưa một lần giúp gã khổng lồ Urawa vô địch J-League, danh hiệu lớn nhất mà ông thầy người Serbia giành được là chiếc cúp quốc gia vào năm ngoái. Dưới triều của Petrovic, “Quỷ Đỏ” chơi rất cống hiến trong mỗi trận đấu và luôn được xem là đối thủ mạnh nhất tại Nhật Bản, tuy nhiên, trong những thời khắc quyết định nhất, Urawa Reds thường hay hụt chân. Các CĐV tại Urawa cũng hay bông đùa mà gọi Petrovic là “Thiên tài kém may mắn”, họ đổ lỗi cho may mắn hơn là trình độ của HLV. Và cho đến lúc này, đội bóng thuộc tập đoàn Mitsubishi vẫn cho phép Petrovic tại vị.
Với trường hợp của Yahiro Kazama tại Nagoya Grampus lại là vấn đề khác với Moriyasu và Petrovic. Chiến lược gia 55 tuổi này có đầy đủ cầu thủ chất lượng để có thể giành J-League 2 (giải hạng 2 Nhật Bản). Tuy nhiên, cho đến lúc này, họ chỉ đứng ở vị trí thứ 8 sau 19 vòng và HLV Kazama vẫn không bị sa thải. Điểm yếu lớn nhất của Kazama trong một tập thể toàn cầu thủ tốt chính là việc ông quá thích xoay vòng đội hình. Mỗi trận thi đấu là mỗi đội hình khác nhau khiến các cầu thủ gần như bị chệch pha.
Cả Moriyasu, Petrovic và Kazama không phải là không bị sa thải trong tương lai nhưng vào thời điểm khó khăn nhất của CLB hiện tại, họ vẫn yên vị. Thay đổi HLV là điều cần thiết khi CLB đang gặp khủng hoảng, tuy nhiên điều đó chỉ thay đổi được kết quả ngắn hạn chứ không phải là giải pháp lâu dài. Với văn hóa bóng đá Nhật Bản, họ vẫn ưu tiên tầm nhìn chiến lược của các HLV hơn là thay đổi nhất thời.