Sự nghiệp huấn luyện của huyền thoại người Pháp rất ngắn ngủi. Ông được chỉ định lên chiếc ghế nóng của Kền kền trắng vào ngày đầu năm 2016; trước đó, là một mùa rưỡi “gõ đầu trẻ” ở đội Castilla.
Thế nhưng, vị huấn luyện viên sắp bước vào trận chung kết Champions League thứ hai liên tiếp trong sự nghiệp đã gắn bó ở băng ghế chỉ đạo lâu hơn thế. Chính xác hơn, Zidane đã đi cùng với đội từ tháng 11 năm 2010, khi ông được chủ tịch Florentino Perez bổ nhiệm vào vị trí cố vấn đặc biệt, trước khi lên chức giám đốc kỹ thuật và trợ lý của Carlo Ancelotti.
Bảy năm, ba đời huấn luyện viên, Zidane vẫn trụ lại và thường xuyên tham gia các buổi tập cũng như quản lý phòng thay đồ. Khoảng thời gian cắp sách đi học và theo chân đội bóng đã dạy cho huyền thoại người Pháp rất nhiều bài học và được ông thư lượm để trở thành công thức chiến thắng của Real Madrid.
Người thầy đầu tiên của Zidane, Jose Mourinho, là một mẫu huấn luyện viên thực dụng và sẵn sàng phá vỡ mọi quy tắc để giúp đội giành chiến thắng. Raul, Guti là hai nạn nhân đầu tiên của “Người đặc biệt.” Cuộc “chiến tranh lạnh” giữa ông và Iker Casillas kết thúc với tỷ số hòa. Ba năm dưới thời Mourinho là ba năm không ít lần Real Madrid bị chỉ trích vì lối đá quá thiên về phá lối chơi đối thủ nhiều hơn là tấn công giành chiến thắng.
Lối chơi và cách nhập cuộc của Zidane không quá tiêu cực và cực đoan như vị huấn luyện viên đầu tiên ông được cộng tác. Bù lại, ông vẫn có được sự thực dụng trong lối chơi và sử dụng con người khi cần thiết. Người hiểu điều này nhất có lẽ chính là James Rodriguez, bản hợp đồng “con cưng” của Perez, khi đang phải trải qua những ngày tháng ác mộng trên ghế dự bị do bị đánh giá chây lười trong công tác đóng góp phòng ngự, còn bộ ba B-B-C vẫn thỉnh thoảng bị thay khỏi sân khi đội bóng cần một chiến thắng.
Real Madrid thắng 8 trận với cách biệt tối thiểu ở mùa giải năm nay và chỉ bị gỡ hòa một lần. Barca có 4 trận thắng tối thiểu, nhưng lại đánh rơi điểm hai lần, một trước chính Real Madrid. Trận hòa trước chính đối thủ trực tiếp lại chính là sự khác biệt, khi Barca kết thúc mùa giải với ba điểm kém hơn nhưng lại có được hiệu số đối đầu.
Carlo Ancelotti không phải loay hoay làm lại đội hình quá nhiều như người tiền nhiệm Mourinho, nhưng vị huấn luyện viên người Ý lại người đặt nền móng cho bộ khung và lối chơi của Real Madrid thời điểm hiện tại.
Toni Kroos và Casemiro chuyển đến Real Madrid mùa hè 2014 khi Ancelotti hướng đến sự cân bằng ở tuyến giữa. Trong khi đó, bản hợp đồng kỷ lục Gareth Bale tạo nên một Madrid phản công với tốc độ chóng mặt, còn Ronaldo được đẩy vào đá không khác gì một tiền đạo trong sơ đồ 4-3-3 lai 4-4-2 của vị huấn luyện viên người Ý.
Zidane không thay đổi quá nhiều nền móng của Ancelotti. Thậm chí, chấn thương dài hạn của Bale còn giúp ông có thêm động lực để sử dụng một 4-4-2 cân bằng phòng thủ hai cánh hơn rất nhiều, đặc biệt trong những trận đấu knock-out tại Champions League.
Rafa Benitez chỉ có sáu tháng cầm quyền ngắn ngủi, nhưng có lẽ mọi chuyện đã tốt hơn với vị HLV người Tây Ban Nha nếu mọi chỉ thị của ông được xem xét nghiêm túc.
Benitez là người yêu cầu sử dụng Casemiro, nhưng rất tiếc lời đề nghị đó bị từ chối thẳng thừng. Benitez cũng yêu cầu xoay tua Cristiano Ronaldo, nhưng tiền đạo người Bồ Đào Nha không nghe lời để cố gắng ghi bàn cạnh tranh với Lionel Messi, Luis Suarez trong cuộc đua chiếc giày Vàng.
Barcelona đại thắng 4-0 trước Real Madrid ngay tại Bernabeu trong một trận đấu mà người ta đã đồn rằng Perez yêu cầu loại tiền vệ người Brazil ra khỏi đội hình xuất phát. Benitez bị đuổi, Zidane lên nắm quyền gây áp lực để đưa Casemiro trở lại đội hình chính, và tiền vệ người Brazil là nhân tố thành công nổi bật của Kền kền trắng suốt hai mùa giải vừa qua.
Ngoài ra, thành công của Zidane không thể không kể đến khả năng xoay tua đội hình của ông. Toni Kroos và Cristiano Ronaldo là hai cầu thủ duy nhất có hơn 2500 phút thi đấu tại La Liga, trong khi đó Lucas Vazquez là người duy nhất trong đội hình Kền kền trắng có 50 lần ra sân ở mùa giải này.
Ronaldo được cho nghỉ 5/6 trận đấu sân khách giữa tháng ba và tháng năm, trong khi những chiến thắng trước Granada, Deportivo La Coruna, Sporting Gijon, Leganes và Eibar là những chiến thắng của Zidane khi những quân bài dự bị chiến lược như Isco, Alvaro Morata hay Rodriguez đều tỏa sáng. Nói là dự bị chiến lược, bởi họ cũng ra sân 40 lần ở mùa giải năm nay.
Ronaldo sẽ có mùa giải đầu tiên anh không cán mốc 50 bàn thắng trong 6 mùa giải gần nhất, nhưng dấu ấn của anh mùa này ở những trận knock-out được để lại nhiều nhất. Nó khác hẳn cách một Ronaldo cố gắng ra sân 50, 60 trận mùa để ghi bàn đuổi kịp thành tích của Lionel Messi, để rồi hụt hơi trong giai đoạn then chốt.
Có thể xét về chiến thuật, Zidane chưa thực sự quá thuyết phục. Real Madrid không thể đánh bại đối thủ chính Barcelona vốn bị chỉ trích rất nhiều trên sa bàn chiến thuật tại mùa giải năm nay, còn con đường vào chung kết Champions League của họ cũng không thực sự quá gồ ghề.
Đổi lại vào đó là một Zidane trên khía cạnh một nhà quản lý, với khả năng sử dụng xoay tua nhân sự theo từng trận đấu. Đó là những bài học mà vị huấn luyện viên 45 tuổi đã có được sau nhiều năm cắp sách trên băng ghế chỉ đạo, và ít nhất chúng giúp ông thành công tại đấu trường trong nước ở thời điểm hiện tại.
Đôi khi, không cần phải sáng tạo ra cái gì đó quá ghê gớm vốn cũng cóp nhặt từ nhiều cái khác nhau, tận dụng và cải tiến những thứ mình có cũng làm nên một huấn luyện viên giỏi. Zidane là một mẫu huấn luyện viên như vậy.
N25.