Đêm thứ Năm vừa qua, HLV Gareth Southgate sử dụng bộ đôi Jake Livermore và Eric Dier cho vị trí tiền vệ trung tâm trong trận thua 0-1 trước đội tuyển Đức tại Dortmund.
Nếu so với những Paul Scholes- Steve McManaman, Frank Lampard- Steven Gerrard hay tệ hơn là Jordan Henderson – Wayne Rooney, cặp đôi Livermore-Dier có lẽ là bộ đôi tiền vệ trung tâm kém chất lượng nhất của Tam sư trong vòng hai thập kỷ gần đây. Không sai khi nói rằng bộ đôi kể trên là hình ảnh của một đội tuyển Anh với chất lượng ngày càng đi xuống, bất chấp sở hữu một giải đấu hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Thế nhưng, có một sự thật khá hài hước là những đội tuyển trẻ của Tam sư lại có thành tích khá tốt tại các giải đấu châu lục, khi bốn lần lọt vào bán kết trong bảy giải U19 châu Âu gần đây nhất. Nếu xét trong 10 năm vừa qua, U19 Anh là đội bóng có thành tích ổn định thứ tư châu Âu, xếp sau Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Những giải đấu trẻ có thể không thu hút khán giả nhưng lại rất “đắt hàng” với những tuyển trạch viên và các huấn luyện viên, bởi đó là nơi các “măng non” đánh bóng tên tuổi bản thân. Paul Pogba là đội trưởng U20 Pháp vô địch giải U20 thế giới năm 2013 cùng những Samuel Umtiti, Geoffrey Kondogbia, Lucas Digne, Mario Lemina và Kurt Zouma. Trong khi đó, U21 Đức vô địch giải U21 châu Âu năm 2009 với những Manuel Neuer, Jerome Boateng, Sami Khedira, Mesut Ozil, Mats Hummels trong đội hình- những người sau đó đã giúp Cỗ xe tăng vô địch World Cup lần thứ tư trong lịch sử.
Những đội tuyển trẻ như U19 và U21 có thể coi là bản lề cho một thế hệ tài năng của đội tuyển. Thế nhưng, mặc dù U19 và U21 luôn thường xuyên tiến sâu ở những giải trẻ của UEFA và FIFA, nhưng đội tuyển Anh mới chỉ một lần lọt vào tứ kết các giải đấu chính thức kể từ kỳ World Cup 2006. Lý do cơ bản và rõ ràng nhất, là những tài năng trẻ của nước Anh không có đầu ra để phát triển tài năng.
So với những cầu thủ cùng trang lứa, những cầu thủ U19 Anh đều đến từ những đội bóng thừa tiền để mua sao. Họ có thể được hưởng ưu đãi và cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng dĩ nhiên cơ hội để họ chen chân vào đội hình 1 CLB chủ quản là không nhiều.
12/18 cầu thủ U19 Anh lọt vào bán kết giải U19 châu Âu vừa qua đến từ những đội bóng trong top 7 của Ngoại hạng Anh: Arsenal (2 cầu thủ), Chelsea (4 cầu thủ), Everton (3 cầu thủ), Liverpool (1 cầu thủ), Tottenham (2 cầu thủ). Trong số này, chỉ có Ademola Lookman là lựa chọn thường xuyên tại đội hình 1, trong khi bộ ba của Chelsea Tammy Abraham, Dominic Solanke và Izzy Brown đang bị trôi dạt tứ phương với những bản hợp đồng cho mượn. (Tái bút: Lookman được Everton chiêu mộ từ Charlton vào kỳ chuyển nhượng mùa đông).
So sánh với lứa U19 Pháp sắp tham dự giải U20 thế giới tới đây, chỉ có 4 cầu thủ chưa có đủ 10 lần ra sân cho đội hình 1. Kylian Mbappe thậm chí đã được Monaco định giá 110 triệu Euro, trong khi còn đó những Ousmane Dembele, Allan Saint-Maximin và Alban Lafont- những cầu thủ đã và đang gây sức hút tại Bundesliga và Ligue 1- trong danh sách chờ sang Hàn Quốc tranh tài vào tháng 5 tới đây.
Sự cạnh tranh khốc liệt của top 7 Ngoại hạng Anh khiến các huấn luyện viên không thực sự có nhiều kiên nhẫn để trông chờ vào những sao mai. Áp lực thành công ngay lập tức và ngân quỹ khá rủng rỉnh buộc các huấn luyện viên lựa chọn con đường tắt và an toàn hơn vung tiền mua sao nhằm bổ sung lực lượng. Tất nhiên, có người đến thì phải có người hy sinh, và những cầu thủ trẻ chỉ có thể nhìn đàn anh thi đấu từ trên khán đài.
Việc không có nhiều cơ hội thi đấu vô hình chung lại “giết” những mầm non của bóng đá Anh. Độ tuổi 18-21 là độ tuổi mà các cầu thủ trẻ cần phải thi đấu thường xuyên nhằm tăng cường thể chất, tư duy và quan trọng nhất là kinh nghiệm thi đấu. Trăm hay không bằng tay quen, không khó hiểu tại sao rất ít những wonderkid nước Anh có thể tự tin chơi bóng ở tuổi 19, trong khi những cầu thủ cùng trang lứa chơi bóng như thể họ đã thi đấu chuyên nghiệp từ lâu.
Trong khi đó, trên bình diện chung châu Âu, ngoại trừ những “đại gia” như Bayern Munich, Barcelona, Real Madrid và Paris St.Germain, không nhiều đội bóng có ngân quỹ rủng rỉnh để cạnh tranh mua bán như những anh lớn kể trên. Đào tạo những viên ngọc thô, cho họ ra sân và bán đi kiếm lời, đó là cách những Bastia, Monaco, Toulouse của Maximin, Mbappe và Lafont kiếm sống qua ngày. Dĩ nhiên, được trao cơ hội thi đấu với áp lực thấp hơn, những lứa trẻ đến từ đất nước hình lục lăng nhanh chóng điền tên vào radar những tài năng trẻ lớn nhất châu Âu.
Mọi chuyện còn tệ hơn với bóng đá Anh khi những đội bóng nhà nghèo như Sunderland, West Brom cũng bắt đầu rục rịch tậu sao bổ sung lực lượng. Những Alvaro Negredo, Fernando Llorente, Didier Ndong, Yohan Cabaye có quyền thi đấu cho một đội bóng tầm cơ Europa League thay vì phải chèo lái đội bóng khỏi ba suất xuống hạng.
Trong số 23 cầu thủ đặt chân lên Đức thi đấu World Cup 2006, Wayne Bridge, Frank Lampard, Joe Cole, Michael Carrick, Theo Walcott cũng đã sớm kiếm được suất thi đấu trong đội hình chính thức của những West Ham hay Southampton trước khi chuyển đến những đội bóng lớn hơn.
Thế nhưng, những “lúa non” của hai lò đào tạo tốt nhất nước Anh thời điểm hiện tai không được hưởng may mắn như các bậc tiền bối. Cơ hội ra sân của những Reece Oxford, Harrison Reed, Matt Targett không sáng sủa là bao so với những tài năng trẻ đang bị “đì” ở những đội bóng lớn.
Đó là tình trạng chung cho cả những tài năng đang ngụp lặn ở những đội trung bình-khá, khi họ cũng phải nhường suất thi đấu cho những ngôi sao đang đổ bộ về xứ sở Sương mù. Tiền bản quyền truyền hình lớn không phải là vấn đềlớn nhất, bởi so với những mùa giải trước đội bóng bét bảng Premier League cũng nhận khoản tiền thưởng lớn hơn những đội bóng “nhà nghèo” ở Bundesliga hay Serie A cộng lại. Quan trọng nhất, xuống hạng Championship là phải đối mặt với luật công bằng tài chính của giải đấu, một điều luật sẽ giết chết rất nhiều các đội bóng không có tiềm lực marketing tốt ở Ngoại hạng Anh.
Luật công bằng tài chính ở giải hạng Nhất Anh chỉ cho phép các đội bóng thua lỗ ba triệu Bảng, trong khi ở Ngoại hạng Anh con số đó là 45 triệu. Tiền bản quyền truyền hình giảm xuống từ 130 triệu xuống còn 6 triệu Bảng. Với hai môi trường khác nhau một trời một vực như vậy, không ít những ông lớn ở Ngoại hạng Anh hồi trước đã và đang gặp khó khăn khi bị xuống hạng. Những Wigan, Wolverhampton và Blackpool- những đội bóng đã tụt xuống hạng thấp hơn- là lý do tại sao những đội bóng top dưới cũng điên cuồng mua sắm nhằm tránh phải bắt chuyến tàu xuống giải hạng Nhất.
Ngoại hạng Anh có thể là giải đấu hấp dẫn và sở hữu mặt bằng chung lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ không sở hữu những đội bóng mạnh nhất, và tất nhiên không sở hữu một đội tuyển quốc gia thuộc dạng “máu mặt.” Việc các cầu thủ Anh không có xu hướng xuất ngoại càng khiến các lựa chọn đủ trình độ đá tuyển của các HLV bị giảm đi, và thành tích của Tam sư cứ tụt dần mà không có xu hướng khởi sắc.