Bóng đá Việt Nam

Nguyễn Ánh, số phận và U20 Việt Nam

Có những kẻ anh hùng xưng bá một thời, thiên hạ không ai không ngưỡng mộ. Nhưng để đạt được tới chân mệnh thiên tử, thì phải là một kẻ nhận được cái mỉm cười của số phận.

  1. Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, những nhân vật chính của cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1778 cho tới 1802, luôn là một chủ đề thú vị mà khi càng cố gắng bóc tách những khía cạnh của họ, người ta lại càng tìm ra những điều mới mẻ, để rồi lại trầm ngâm suy ngẫm về 2 chữ: Số phận.

    Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, danh chấn một phương, tận thu thiên hạ nhân tâm. Không chỉ văn võ kiêm toàn, lại còn là một nhà chính trị kiệt xuất. Trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có nhà vua nào lại khiến Bắc quốc run sợ, phải chịu danh xưng “Đế” của vua nước Việt, lại còn phải gả con gái, cắt Lưỡng Quảng (Quảng Đông – Quảng Tây) cho vua Quang Trung. Nhưng cuối cùng, ông lại chết yểu, để lại một cơ đồ Tây Sơn dang dở và cả sự tiếc nuối cho muôn đời sau.

    Nguyễn Ánh là ai? Là một hoàng tử nhỏ mà từ năm 4 tuổi đã chứng kiến và nếm trải đủ những nỗi đau của gia tộc: Cha bị cầm tù đến chết, toàn thể gia quyến thân thích trong nhà đều bỏ mạng trong chiến dịch tàn sát của nhà Tây Sơn. Là một thiếu niên 17 tuổi cầm quân ra trận năm lần bảy lượt bị đánh cho tan tác. Nhưng cho đến cuối cùng, ông mới là người thống nhất được toàn cõi Việt Nam, mở ra triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta. Vậy đâu là khác biệt?

    Có rất nhiều giai thoại kể về Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi cùng giết tận. Nhưng không một lần, Nguyễn Huệ cùng các thuộc hạ tiêu diệt được kẻ thù không đội trời chung. Truyện kể rằng, lần đó Nguyễn Ánh chạy bộ giữa rừng, sau lưng là truy quân của Nguyễn Văn Trương cưỡi ngựa đuổi giết. Tưởng sắp chết đến nơi, bất ngờ 1 cây cổ thụ đổ sập xuống giữa đường, chặn đường đuổi của quân Tây Sơn. Nguyễn Ánh thoát chết, tướng Văn Trương hiểu được ý trời, sau này đem quân hàng Nguyễn Ánh và trở thành hổ tướng của ông.

    Đó, chính là số phận vậy.

  2. Có một điều chúng ta phải khẳng định: Lứa U19 Việt Nam với những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường được yêu mến và biết tới nhiều hơn hẳn so với lứa U19 (U20 hiện tại) mà HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt.


    Chưa bao giờ một giải đấu cấp U19 của Đông Nam Á lại khiến NHM phát sốt, đến độ sẵn sàng bỏ ra vài triệu, thậm chí là vài chục triệu, cho 1 cặp vé vào xem thầy trò Guillaume Graechen thi đấu tại Mỹ Đình hay Thống Nhất. Cũng chẳng mấy khi, NHM lại quay lưng với 1 HLV ngoại của ĐTQG, chỉ vì ông ta không dùng được những chàng trai mới chỉ đôi mươi ấy.

    Nó hoàn toàn đối lập với cảnh các khán đài hiu hắt của sân Hàng Đẫy trong ngày U19 Việt Nam ra sân tại giải U19 ĐNÁ 2016, dù giá vé chỉ chưa tới 100 ngàn đồng. Nó cay đắng đến mức những người trong cuộc phải thốt lên “Xin đừng so sánh chúng tôi với những người đàn anh nữa”.

    Nhưng rốt cuộc, phải là những Hà Đức Chinh, Nguyễn Quang Hải, và đặc biệt nhất, HLV Hoàng Anh Tuấn, mới là những kẻ làm nên lịch sử.

    Người ta có thể lấy lý do rằng, U19 Việt Nam 2016 gặp quá nhiều thuận lợi ở chiến dịch U19 châu Á. Cũng không sai. So với những Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc mà thầy trò Guillaume Graechen phải đối đầu, thì những Iraq, UAE, CHDCND Triều Tiên hay Bahrain có lẽ chẳng thể sánh bằng.

    Nhưng không thể phủ nhận, các chàng trai mang màu áo đỏ, với tất cả khát khao chiến đấu để tìm kiếm sự khẳng định, đã chơi những trận đấu quá đỗi cảm xúc và khiến NHM quên đi rằng, chỉ cách đó vài tháng, chính họ đã quay lưng khi các em thi đấu. Tấm vé đến Hàn Quốc với tư cách 1 trong 5 đại diện của châu Á chính là thành quả xứng đáng cho những máu, mồ hồi và nước mắt mà các em đã đổ.

    Đó, chính là số phận vậy.

  3. Một lần nữa, số phận sắp đặt cho U20 Việt Nam nằm ở bảng đấu có thể coi là dễ thở ở VCK U20 World Cup năm nay. Pháp là đối thủ đáng ngại nhất, chắc chắn là vậy. Nhưng Honduras lẫn New Zealand đều là những đối thủ vừa tầm và chiếc vé vào vòng knock-out là điều thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn đủ tự tin có thể giành được.

    Nhìn sang bảng A của Hàn Quốc (Guinea, Argentina, Anh) hay bảng D của Nhật Bản (Nam Phi, Italia, Uruguay), chắc chắn NHM Việt Nam phải cảm ơn sự sắp đặt của ông trời.

    Cũng cần phải nhớ rằng, Nguyễn Ánh để có thể trả thù cho gia tộc, thống nhất Việt Nam, làm nên nghiệp lớn đã phải tự rèn luyện bản thân luôn vững vàng trong những điều kiện gian khổ nhất, chứ không thể chỉ trông chờ vào số phận. Số phận đã giúp U20 Việt Nam lọt vào một nhánh vô cùng thuận lợi. Giờ đây, có thể một lần nữa làm nên lịch sử tại Hàn Quốc hay không, tất cả nằm ở đôi chân và trái tim của những Quang Hải, Minh Dĩ hay Đức Chinh.