Trận đấu mở màn AFC Cup 2017 trong khuôn khổ bảng I sẽ chứng kiến cột mốc lịch sử của đội chủ nhà 4.25 SC khi đội bóng Triều Tiên sẽ có lần đầu tiên ra mắt tại giải đấu tầm cỡ khu vực. Tuy nhiên đối với Erchim FC – câu lạc bộ đến từ Mông Cổ lại là câu chuyện khác, tuy đây không những là trận mở màn của họ tại AFC Cup nhưng lại đánh dấu bước ngoặt lịch sử sau nhiều năm của một nền bóng đá kém phát triển.
Nằm giữa hai cường quốc Nga và Trung Quốc, Mông Cổ là quốc gia có diện tích lớn thứ 19 trên thế giới nhưng phần lớn dân cư phân bố thưa thớt và không đồng đều. Trong tổng số dân 2,8 triệu người, đã có gần một nửa tập trung ở thủ đô Ulaanbaatar.
Nền thể thao của họ khá phát triển. Đấu vật là một trong ba môn thể thao truyền thống của người Mông Cổ – hai bộ môn còn lại là bắn cung và cưỡi ngựa. 9 trong tổng số 26 huy chương vàng mà người Mông Cổ có được kể từ lần đầu tham gia thế vận hội Olympic vào năm 1964 đến từ môn đấu vật. Số còn là của Judo, quyền anh và bắn súng.
Đội hình của CLB Erchim (Ảnh: MFF)
Bóng đá ở quốc gia này vẫn đang được phổ biến rộng rãi trong những năm qua và có được một chỗ đứng nhất định trong nền văn hóa thể thao của người Mông Cổ.
Mùa đông lạnh kéo dài và có những lúc nhiệt độ giảm xuống chỉ còn -40 độ, chưa kể đến diện tích đất rộng lớn và cơ sở hạ tầng chưa phát triển là một chướng ngại khá lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của nền bóng đá nước này.
Tuy nhiên, tham vọng của Liên đoàn bóng đá Mông Cổ ( MFF ) đã đạt đến mức cao nhất kể từ khi chủ tịch Ganbaatar Amgalanbaatar lên nhậm chức vào năm 2014, ông đã phá bỏ một số điều lệ nhằm thay đổi diện mạo nền bóng đá nước nhà.
“Tôi mong chờ một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Khi tôi nhậm chức, với tư cách là chủ tịch của MFF điều tôi ưu tiên hàng đầu sẽ là sân bãi, đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển quốc gia và các cơ sở hạ tầng thể thao. Do đó chúng ta sẽ có nhiều hoạt động và các kế hoạch trong thời gian này,” Ông Ganbaatar nói.
Một trong số những thay đổi quan trọng của Ganbaatar chính là hệ thống giải ngoại hạng Mông Cổ đã được chia thành ba hạng đấu khác nhau, lần đầu tiên sẽ có những đội thăng hạng và xuống hạng ( trước đây Mông Cổ chỉ có duy nhất một giải vô địch quốc gia ), điều đó đã mang đến những lợi ích trông thấy.
Hơn ai hết Turbat Daginaa – hậu vệ 24 tuổi từng chơi cho Khoromkhon ( đội bóng thủ đô Ulaanbaatar ) và hiện đang là đội trưởng đội tuyển quốc gia Mông Cổ đã được chứng kiến sự thay đổi ngay từ những ngày đầu tiên.
Anh chia sẻ: ” Chúng tôi bắt đầu mùa giải mới từ hai năm trước và kết thúc ở năm thứ hai. Mọi thứ đã được cải thiện rất nhiều vì giờ đây chúng tôi được thi đấu nhiều trận hơn và mang tính cạnh tranh lớn hơn. Trước đây chỉ có một vài đội thống trị giải VĐQG nhưng giờ đây đó có thể là bất kì đội bóng nào, một đội bóng nhỏ cũng có thể đánh bại những ông lớn , mọi thứ đang tốt lên và chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững điều đó trong những năm tới.”
Khi Turbat còn là một cậu nhóc, bóng đá ở Mông Cổ không có chương trình đào tạo các cầu thủ trẻ, do đó kĩ năng của anh được phát triển và hình thành từ đường phốtrước khi chơi cho một đội bóng ở địa phương. Tuy nhiên ngày nay , những đứa trẻ sẽ có cơ hội làm quen với môn thể thao vua ngay trong trường học.
” Cứ mỗi năm thì cơ sở hạ tầng lại được cải thiện và giờ đây thậm chí các trường học cũng đang thực hiện chương trình giảng dạy bóng đá.” Turbat nói thêm. ” Chúng tôi muốn tạo ra sức hút cho giải vô địch quốc gia để một ngày không xa các cầu thủ sẽ có cơ hội thi đấu ở nước ngoài.”
Tại Khurkhree National Premier League, trong hai năm giải đấu tồn tại thì đã có đến 9 đội bóng đến từ thủ đô Ulaanbaatar, đội duy nhất không phải đại diện thủ đô chính là Deren FC, và những thay đổi trên là động lực to lớn để đưa bóng đá đến với khắp mọi nơi trên lãnh thổ Mông Cổ.
Trong quá khứ, bóng đá đã phổ biến tại Mông Cổ ở khu vực phía Bắc giáp biên giới nước Nga, nơi chịu sự ảnh hưởng của liên bang Xô Viết trước những năm 1990. Đưa bóng đá đến với mọi miền lãnh thổ trên đất nước chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của chủ tịch Ganbaatar.
” Từ năm 2014 thì tất cả các giải đấu chỉ tập trung và giới hạn ở một vài địa điểm. Nhưng tôi đã thành lập những hiệp hội bóng đá ở 21 tỉnh để có thể phát triển cân bằng với nhau. Sẽ là không công bằng nếu bóng đá không được phổ biến trên toàn quốc, – ông Ganbaatar chia sẻ.
Năm ngoái đã diễn ra một giải đấu giữa các tỉnh được tổ chức ở phía Đông tỉnh Dornod, đây là lần đầu tiên một giải đấu được tổ chức ở ngoài phạm vi thủ đô Ulaanbaatar. Đây là một cơ hội rất tốt để các tài năng ở các tỉnh ngoài thủ đô có thể phô diễn kĩ năng của mình và được những người trong giới bóng đá chú ý.
Phát triển bóng đá trẻ và đội tuyển nữ cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chiến lược của MFF nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực.
Đầu năm 2016, hai cầu thủ trẻ đầy triển vọng của Mông Cổ là Ganbold Ganbayar và Soyol-Erdene Gal-Erdene đã có chuyến du học tại Anh trong màu áo của Barnet – câu lạc bộ đang chơi ở League Two và đã tiếp thu những kinh nghiệm từ nền bóng đá nước ngoài. Ganbayar – cầu thủ năm nay mới chỉ 16 tuổi đang có một năm tập ở Puskas Akademia FC – một câu lạc bộ của Hungary.
Hơn thế nữa, các giải vô địch giành cho nam và nữ các lứa U13, U15 và U17 cũng đã được tổ chức trong vài năm gần đây, trong khi đó giải bóng đá nữ vô địch quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015.
Một trong những điểm quan trọng trong tiến độ phát triển là việc giới thiệu cho người dân Mông Cổ tham gia FIFA Grassroots với mục tiêu là gia tăng độ tuổi tham gia cho nam và nữ từ 6 lên 12 tuổi; nâng cao chất lượng giảng viên và số lượng các khóa học bóng đá;chuẩn bị kế hoạch chi tiết để phát triển bóng đá từ cấp địa phương, khu vực và toàn quốc.
Gần một nửa trong số 21 tỉnh ở Mông Cổ đã tham gia vào chương trình này và liên đoàn hy vọng vào năm 2018 toàn bộ 21 tỉnh sẽ đồng loạt góp mặt. Ganbaatar khẳng định :” Đây là tương lai nền bóng đá của chúng tôi;Tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ thành công trong một ngày không xa.”
Một người mà người dân Mông Cổ ai cũng biết đó chính là Tulga Zorigt – huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Mông Cổ, anh từng chơi trong vai trò tiền vệ cánh trong màu áo ĐTQG giai đoạn từ 2007-2013 và tham gia vào công tác huấn luyện khi giải nghệ.
Sân vận động quốc gia Ulaanbaatar – nơi tổ chức hầu hết các trận đấu của bóng đá Mông Cổ (Ảnh: MFF)
Phát biểu tại giải AFC Solidarity Cup vừa rồi, Zorigt đồng tình với chủ tịch liên đoàn rằng việc tập trung phát triển bóng đá trẻ là điều rất cần thiết, trong khi đó anh cũng nói về những khó khăn và thách thức mà ĐT Mông Cổ sẽ phải đối mặt.
Zorigt nói: “Tất nhiên rồi, tôi đồng ý với tất cả rằng thời tiết chính là trở ngại lớn nhất. Từ tháng 11 đến tháng 3 chúng ta không thể chơi bóng ngoài trời trong khi lại thiếu cơ sở vật chất. Thay vào đó, các cầu thủ sẽ phải chuyển sang thi đấu…futsal vào mùa đông trước khi trở lại sân cỏ thật, các cầu thủ đang gặp bất lợi vì phải thay đổi sân thi đấu nhiều lần.”
Một vấn đề nữa đối với MFF chính là kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế. Trận thua 1-5 trước Timor Leste ở vòng loại thứ nhất World Cup 2018 vào tháng 3 năm 2015 đã cho thấy Mông Cổ là một trong số ít các đội tuyển Châu Á không được tham gia vào vòng loại thứ hai. ” Những chú sói xanh ” cũng không thể vượt qua vòng loại đầu tiên của giải Đông Á vào tháng Bảy trước khi thi đấu không tành công tại AFC Solidarity Cup.
Bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các cầu thủ trẻ thế hệ sau, việc tạo cơ hội nâng cao trình độ cho các huấn luyện viên cũng quan trọng không kém. MFF đang có những kế hoạch cho Tulga theo học khóa huấn luyện bằng A AFC và bằng A của UEFA. Huấn luyện viên trưởng của ĐT Mông Cổ chia sẽ :
“Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, chúng tôi trở thành một nước dân chủ và đó là một thời gian khó khăn vì thậm chí chẳng có nhiều thức ăn để dùng”, Tulga nhớ lại. “Bóng đá hầu như biến mất vì không có nguồn lực để tập trung vào nó.”
Lược dịch từ AFC