Football Tribe

Reber Rustu – Câu chuyện huyền thoại về chiến binh Thổ

Bởi nhiều lý do, 300 và Gerard Butler luôn xuất hiện trong đầu tôi mỗi khi nói chuyện về thủ môn với bạn bè. Nếu sân bóng được ví như chiến trường, thủ môn sẽ là lớp phòng ngự cuối cùng, thứ duy nhất ngăn cách chiến thắng và thất bại, niềm vui và nỗi buồn, sự sống và cái chết.

Tôi đã chú ý tới Recber Rustu từ năm 2002, khi đó tôi chín tuổi. Tôi từng chứng kiến Peter Schmeichel, tôi từng nghe rất nhiều về Oliver Kahn, nhưng không ai giống Rustu cả. Có lẽ là do đường kẻ đen dưới đôi mắt của anh ấy, hoặc mái tóc giống như Zorro. Hoặc có lẽ do Rustu bất ngờ trở thành người hùng, sử dụng “nắm đấm” để đưa một Thổ Nhĩ Kì không được đánh giá cao tiến tới bán kết của giải đấu lớn nhất hành tinh.

Có không ít ngôi sao trong đội hình Thổ Nhĩ Kỳ năm 2002. Tiền vệ cánh Hassan Sas có lẽ là cầu thủ tạo ra nhiều ảnh hưởng nhất ở chiến dịch World Cup năm đó. Nhưng không thể bỏ qua “ngọn lửa chiến đấu” mà Rustu mang lại cho các đồng đội, giúp họ tự tin vượt qua vòng loại, tiến tới vòng knockout và khiến nhà vô địch Brazil phải toát mồ hôi.

Rustu lần đầu góp mặt tại World Cup sau khi giúp Fenerbahce cán đích thứ hai tại giải quốc nội. Nhiều người nhận định anh là một trong số ít người phát minh ra vị trí “thủ môn quét”, nhờ vào dáng vẻ oai phong trước khung thành. Nhưng cả thế giới chỉ thực sự biết đến Recber Rustu kể từ năm 2002 tại Nhật Bản – Hàn Quốc.

Rustu không thiếu những sai lầm, điển hình là pha phá bóng lỗi dẫn đến tình huống Lucio bị phạm lỗi và Brazil được hưởng một quả penalty. Thậm chí, có nhưng lúc Rustu cảm thấy vô dụng, khi anh để Winston Park gỡ hòa cho Costa Rica ở phút 86 trong trận đấu thứ hai tại vòng bảng.

Nhưng bên cạnh đó, Rustu thật sự phi thường. Thân hình “hộ pháp” khiến đối phương rất khó ghi bàn trước Thổ Nhĩ Kỳ trong những tình huống cố định. Rustu luôn đứng cao so với khung thành, tạo điều kiện để hàng phòng ngự dâng lên và áp sát đối phương quyết liệt.

Quan trọng hơn, khả năng phân phối bóng của Rustu đạt đẳng cấp thế giới. Minh chứng rõ ràng nhất là đường phát động phản công giúp Ilhan Mansiz ghi bàn thắng vàng, giúp Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Senegal để tiến vào trận bán kết World Cup 2002.

Trong trận bán kết, dù phải chạm trán Brazil với những siêu sao tấn công như Ronaldo, Rivaldo và Ronaldinho, nhưng Rustu không hề e sợ. Anh có nhiều pha cứu thua đẳng cấp, thắp lên hy vọng cho các đồng đội xuyên suốt trận đấu. Brazil chỉ có thắng lợi tối thiểu 1-0, lý do là bởi sự xuất sắc của Recber Rustu.

Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc giải đấu với vị trí thứ ba sau khi đánh bại Hàn Quốc, nhưng giải thưởng lớn nhất của họ có lẽ là việc Rustu góp mặt trong đội hình tiêu biểu của World Cup 2002. Sáu tháng sau, anh tiếp tục có tên trong đội hình tiêu biểu của năm do UEFA bình chọn, và xếp đứng thứ ba trong cuộc đua cho danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất thế giới năm 2002.

Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể vượt qua vòng loại World Cup thêm bất cứ lần nào, chứ chưa nói đến việc lặp lại thành tích lọt vào bán kết. Nhưng Rustu cũng để lại dấu ấn với 120 lần khoác áo tuyển quốc gia, có một sự nghiệp thăng trầm bao gồm cả những tranh cãi, sai lầm hay những khoảnh khắc xuất thần. Với nhiều người, trong đó có cả tôi, Rustu là người duy nhất mở rộng tầm mắt của chúng ta về cuộc chiến ở vị trí thủ môn.

Tác giả: Keeshaanan Sundaresan – Football Tribe Malaysia