Theo báo An ninh Thủ đô, từ 1/1/2018, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (quay phim trong rạp chiếu phim, livestream (phát trực tiếp) bóng đá, phim, vi phạm bản quyền phần mềm) có thể bị xử lý hình sự.
Đây là những quy định mới về lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi). Theo đó, bắt đầu từ tháng Tám, những hành vi liên quan đến vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ đều bị xử lý hình sự. Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi) quy định 2 điều luật cho 2 tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm tội xâm phạm quyền tác giả cùng các quyền liên quan và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có cùng hoạt động vi phạm. Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (gọi tắt là BLHS 2015 (sửa đổi), nếu như những hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ theo luật cũ chỉ xử lý hành chính thì với quy định tại BLHS mới, người thực hiện hành vi sẽ có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề vi phạm bản quyền video trên Facebook, các website cá nhân đã được đề cập rất nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây. Vấp phải không ít các làn sóng lên án từ những người làm nội dung, mạng xã hội này đã dần có được những động thái giải quyết trường hợp video có vướng mắc về bản quyền. Đã có nhiều đơn vị bị xử lý hành chính hoặc phải chủ động gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền, nhưng vẫn còn một số trang web, ứng dụng đang tiếp tục cho phát trái phép.
Vào năm ngoái, giải đấu UEFA Champions League đã phải ngừng phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam cũng vì vấn đề vi phạm bản quyền. Nhiều khả năng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ siết chặt hơn nữa trong việc bảo vệ tác quyền, tác giả.