Tôi đến Samara buổi sáng đầu tuần. Mọi thứ thật quen thuộc, ít nhất với một gã đã ở nước Nga được gần một tháng như tôi. Những cảnh vật yên bình như ở Saint Petersburg, Rostov on Don, Volvograd khiến tôi dần vơi đi cảm giác ái ngại. Có vẻ như tôi đã sai, hoặc ít nhất, tôi quá thiếu thông tin về Samara trong quá trình chuẩn bị. Tôi đã từng khoanh đỏ Samara trên tấm bản đồ hành trình, với một suy nghĩ về vùng đất đầy bí ẩn và có phần không an toàn…
Trải qua hành trình gần 30km bằng xe bus, tôi cuối cùng cũng tới được khu dân cư mà mình sẽ tá túc. Và Samara bắt đầu thử thách tôi. Khu Istvana có khoảng 65 block (dãy nhà) giống hệt nhau từ thiết kế đến cách bố trí hạ tầng, cây cảnh và lối đi.
“Mê cung” – Tôi bấm bụng suy nghĩ. Và tôi hiểu mình sẽ mất hàng giờ đồng hồ nếu bước chân vào tìm kiếm. Tôi buộc phải gọi một cuộc điện thoại đến người chủ căn hộ tôi sẽ thuê.
Hắn nhấc máy. Và chỉ ba phút sau, tôi gặp Vlardimir, người mà sau này tôi mới biết được rằng hắn sẽ trở thành người bạn đồng hành chỉ bảo tôi trên chặng đường còn lại.
Mọi thứ đều ổn. Vlardimir thân thiện, chuẩn bị và sắp xếp giúp tôi từng chút một. Vlar, tôi thích gọi hắn như thế, đưa tôi đi khắp thành phố và đến khu FanFest. Tôi thông thuộc Samara khá nhanh, phần lớn nhờ công của Vlar.
Ngày thứ hai tại Samara bắt đầu bằng một món quà. Mẹ Vlar tặng tôi một chiếc khăn cổ động cho đội tuyển Nga. Rồi trên quãng đường đến sân Samara Arena, Vlar tóm ngay vào sở thích số một của tôi: Bóng đá.
– “Tao nghĩ Nga sẽ không có cơ hội trước Tây Ban Nha.” – Vlar thở dài.
– “Rồi mày xem, sẽ có bất ngờ.” – Tôi động viên hắn, dù tôi là một Madridista, một “fan phong trào” của La Roja đã ngót nghét chục năm.
Tôi thấy phần nào đỡ cô đơn khi trò chuyện với Vlar, tất cả cũng nhờ Bóng đá. Tôi từng lang thang dọc con đường huyết mạch của Samara, quãng chừng tầm 20km, vì đã lỡ chuyến xe Bus muộn nhất ngày. Cứ 10 phút, Vlar lại gửi một tin nhắn: “Everthing’s ok?” (Tạm dịch: Vẫn ổn chứ mày?). Tất nhiên tôi ổn, nước Nha thân thiện và rèn luyện sức khoẻ của tôi lên một tầm khác so với khi còn ở Việt Nam. Nhưng tôi vẫn vui, vì hắn quan tâm đến tôi như một người bạn.
Nói đến sự quan tâm, tôi không thể không nhắc đến vợ chồng Igor. Bạn biết đấy, chúng ta rất dễ lạc đường trong lần đầu đến một thành phố mới, đặc biệt với Samara, thành phố đã sản xuất con tàu Phương Đông đưa Yuri Gagarin bay vào vũ trụ. “Đường ở cửa miệng” – Kĩ năng sinh tồn của người Việt thúc đẩy tôi, dù sống trong thời đại 4.0, nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng vài thao tác nhỏ là tìm được phương hướng cùng chiếc điện thoại thông minh. Ông Igor nói bập bẹ được vài câu Tiếng Anh và tôi không cắt nghĩa được. Nhưng một cái khoát tay khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Vợ chồng Igor quyết đưa tôi đi đến nhà ga trung tâm với hơn 15 phút đi bộ. Tôi đi giữa họ, nỗi nhớ nhà khôn xiết lại trào dâng. Tôi nhớ những ngày còn bé khi được đi giữa bố mẹ, nhớ những ngày cõng cậu nhóc nhà tôi lang thang phố đi bộ…
Ngày cuối cùng ở Samara. Vlar đưa tôi ra bến xe bus. Bất ngờ hơn cả, hắn bắt tôi phải đi qua The Tank, nơi đặt chiếc xe Tank từng tham chiến trong thế chiến thứ hai mà hắn rất đỗi tự hào.
– “Ông nội tao từng lái xe Tank tiến vào Berlin, vì thế mày phải chụp ảnh selfie với tao, anh bạn à”
– “Tất nhiên, cười thật tươi nhé.” – Tôi vui vẻ đáp.
Tôi sẽ nhớ Samara lắm. Nhớ những ngày lang thang ở đây, chạy đôn đáo FanFest, sân vận động, rồi bảo tàng bóng đá Samara. Nhưng tôi sẽ nhớ hơn cả bởi Vlar, vợ chồng Igor và những nụ cười, sự thân thiện mà người Nga dành cho tôi trên hành trình của mình.
– “Tao tặng mày”
– “Một chiếc đồng hồ ư?”
Vlar nháy mắt. Hắn lên xe, không quên vẫy tay tôi với một lời chúc may mắn.
Ba ngày sau, Vlar gửi cho tôi một tin nhắn khi tôi đang lang thang trên cầu Milleniums tại Kazan.
– “Tao thấy mày trên báo này…”