World Cup 2018

Lịch sử World Cup 1986: Diego Maradona tỏa sáng giúp Argentina lần thứ hai vô địch thế giới

Bốn năm sau khi không thực sự thành công ở lần ra mắt World Cup 1982, Diego Maradona tỏa sáng và giúp đội tuyển Argentina giành Cúp vàng lần thứ hai. ‘Cậu bé vàng’ để lại dấu ấn khó phai với hai bàn thắng kinh điển vào lưới đội tuyển Anh. Kính mời độc giả cùng Football Tribe Việt Nam nhìn lại điểm những điểm nhấn đáng chú ý của Mexico 1986.

Mexico lần thứ hai đăng cai giải đấu

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 13 ban đầu chỉ có ứng viên đăng cai duy nhất là Colombia. Ngày 9/6/174 ở Stockholm, FIFA chính thức tuyên bố Colombia sẽ là chủ nhà của World Cup 1986. Tuy nhiên vào tháng 11/1982, gần bốn năm trước ngày giải đấu khởi tranh, Colombia bất ngờ thông báo rút lui. Lý do được đưa ra là bởi những khó khăn về kinh tế khiến quốc gia Nam Mỹ này không thể đáp ứng được những yêu cầu về hạ tầng cũng như cơ sở vật chất.

Khá may mắn ở thời điểm đó, có tới ba quốc gia sẵn sàng đứng ra đăng cai giải đấu là Canada, Mỹ và Mexico. Sau một thời gian đánh giá, ngày 20/5/1983, FIFA đưa ra thông báo Mexico sẽ là chủ nhà của World Cup 1986. Mexico là quốc gia đầu tiên trong lịch sử có vinh dự lần thứ hai đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Ngày 19/9/1985, chỉ khoảng 8 tháng trước ngày khai mạc, một trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn 2000 người đã xảy ra ở Mexico. Rất may mắn là các sân vận động tổ chức các trận thi đấu ở World Cup lại không bị hư hỏng hay ảnh hưởng nhiều từ thảm họa này. Bằng sự nỗ lực của mình, Mexico vẫn gấp rút hoàn tất nhưng công đoạn chuẩn bị cuối cùng trước ngày giải đấu khởi tranh.

 

 

 

 

Danh sách các đội bóng tham dự

Có tổng cộng 121 đội bóng tham dự vòng loại World Cup 1986. 22 đội bóng xuất sắc nhất sẽ cùng với chủ nhà Mexico và đường kim vô địch Italia tham dự vòng chung kết.

Kết thúc vòng loại, 12 đội bóng đến từ châu Âu gồm có: Bulgaria, Bỉ, Liên Xô, Pháp, Hungary, Tây Ban Nha, Bắc Ireland, Đan Mạch, Tây Đức, Anh, Ba Lan và Bồ Đào Nha. Nếu như Đan Mạch có lần đầu tham dự thì Bồ Đào Nha cũng trở lại giải đấu sau 20 năm vắng mặt.

Bốn đại diện của Nam Mỹ bao gồm: Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay. Trong khi đó, đại diện duy nhất của Bắc Trung Mỹ và Caribe, không tính chủ nhà Mexico, là Canada. Paraguay và Canada đều có lần đầu tiên tham dự giải đấu.

Hai suất của Châu Phi được giành cho Algeria và Maroc. Còn Hàn Quốc và Iraq là hai đại diện đến từ Châu Á. Nếu như Iraq có lần đầu tham dự thì đây là lần thứ hai Hàn Quốc đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Scotland đã giành chiến thắng trước Australia trong trận đấu playoff  để chính thức có suất cuối cùng tham dự VCK.

 

 

Thể thức thi đấu

VCK bóng đá thế giới năm 1986 tại Mexico tiếp tục chứng kiến những thay đổi đáng kể trong thể thức thi đấu đến từ cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới. Thay vì tổ chức thêm một giai đoạn vòng bảng tuyển chọn, hai đội bóng đứng đầu sáu bảng đấu, cùng bốn gương mặt đứng thứ ba có thành tích tốt nhất sẽ phân cặp đấu loại trực tiếp. Giai đoạn loại trực tiếp cứ thế diễn ra với vòng tứ kết, bán kết và cuối cùng là trận chung kết.

Sáu bảng đấu thay vì được đặt tên bằng số (1,2,3…) sẽ được thay thế bằng chữ in hoa (A,B,C…). Các trận đấu lượt cuối cùng ở vòng bảng sẽ được tổ chức thi đấu cùng giờ. Trước đó ở Argentina 1978 và Tây Ban Nha 1982, đã xảy ra trường hợp trận đấu được đá sau ở lượt cuối được hưởng lợi do đã biết kết quả trận đấu trước đó. Cụ thể là trường hợp của Argentina gặp Peru và Tây Đức gặp Áo.

Ở giải đấu lần này, FIFA đã chọn ra sáu đội hạt giống gồm: Mexico, Ý, Tây Đức, Ba Lan, Pháp và Brazil

 

 

Đan Mạch gây ấn tượng

Đan Mạch đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lần đầu tiên có vinh dự thi đấu tại một kì World Cup. Ở thời điểm World Cup 1986 diễn ra, Đan Mạch của những Soren Lerby, Preben Elkjaer-Larsen hay Michael Laudrup đã là đội mạnh châu Âu. Tuy nhiên, do họ chỉ mới lần đầu tham dự World Cup nên đã bị xếp vào nhóm cuối cùng những Iraq, Canada, Hàn Quốc khi bốc thăm chia bảng.

Hệ quả Đan Mạch rơi vào “bảng tử thần”, cùng với các đội mạnh là Tây Đức, Uruguay và Scotland của HLV Alex Ferguson. Nhưng với ba chiến thắng khó tin liên tiếp, nhất là màn đè bẹp Uruguay 6-1, “Thùng thuốc nổ” Đan Mạch đã bước những bước đầu tiên trong quá trình khẳng định vị thế của mình trên bản đồ bóng đá thế giới.

Kinh nghiệm là thứ mà Đan Mạch còn thiếu và nó hẳn sẽ được cải thiện rất nhiều sau khi đội bóng này hứng chịu thất bại tới 1-5 trước Tây Ban Nha trong trận đấu vòng 16 đội. Cùng chung hoàn cảng với Đan Mạch, ĐT Maroc dù làm nên lịch sử khi trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt qua vòng bảng World Cup nhưng đáng tiếc đã không thể vượt qua một tượng đài sừng sững khác là Tây Đức trong trận knock out ở vòng 1/16.

 

 

Tây Đức “lầm lũi” tiến vào chung kết

Mặc dù được đánh giá là ứng viên vô địch nhưng con đường đến với trận chung kết Mexico 1986 của Tây Đức lại không thật sự ấn tượng. Tại vòng bảng, họ xếp sau Đan Mạch, và may mắn tránh được đối thủ mạnh Tây Ban Nha. Nhưng càng vào sâu, thứ bóng đá đậm chất kỉ luật của Cỗ xe tăng càng có dịp được phát huy.

Ở vòng 1/16, Tây Đức chỉ phải gặp Maroc. Tuy nhiên, họ cũng phải chật vật lắm mới thắng được 1-0 nhờ bàn thắng muộn của Lothar Matthaus và tài năng của thủ thành Schumacher. Chính Schumacher cũng là người hùng của Tây Đức ở tứ kết, khi đẩy được hai quả 11m trong loạt “đấu súng” cân não với chủ nhà Mexico. Phải tới bán kết, Tây Đức mới phần nào thể hiện sức mạnh của một ứng viên vô địch, với việc đánh bại đội tuyển Pháp của Platini với tỉ số 2-0. Tây Đức có lần thứ hai liên tiếp lọt vào trận chung kết để tranh cúp vàng World Cup.

 

 

Diego Maradona tỏa sáng giúp Argentina lần thứ hai vô địch

Đội bóng xứ sở Tango hạ Hàn Quốc 3-1, vượt qua Bungari với tỷ số 2-0 và hòa Italy 1-1 để dễ dàng giành quyền đi tiếp với ngôi đầu bảng A. Bước vào vòng knock-out, Argentina đụng ngay người anh em Nam Mỹ Paraguay. Đội trưởng Maradona dù thi đấu rất năng nổ và có một số cơ hội rõ ràng nhưng không thể một lần xuyên thủng mành lưới đối phương. Nhưng Argentina vẫn giành vé đi tiếp nhờ pha lập công duy nhất của Pasculli ở những giây cuối cùng của hiệp một.

Thi đấu chưa thực sự nổi bật sau bốn trận đấu cùng Argentina, Maradona chỉ thực sự tỏa sáng từ vòng tứ kết với tuyển Anh. “Cậu bé vàng” ghi hai bàn trong trận này và đó đều là những bàn thắng đáng nhớ. Ở bàn thắng mở tỷ số, Maradona đã “ma lanh” dùng tay đấm bóng vào lưới của thủ thành Shilton khi nhảy lên tranh chấp trên không. Sau này chính Maradona đã gọi bàn thắng này là bàn tay của Chúa. Nếu như bàn thắng đầu tiên gây nên nhiều tranh cãi thì bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 của huyền thoại sinh năm 1960 được coi là một trong những pha lập công đẹp nhất lịch sử World Cup. Số 10 Argentina đi bóng từ giữa sân, vượt qua sự truy cản của năm cầu thủ Anh, qua cả thủ thành Shilton trước khi lập công. Bàn gỡ danh dự của tuyển Anh trong trận này cũng đáng chú ý. Đó là bàn thắng thứ 6 của Gary Lineker, giúp ông trở thành vua phá lưới, dù Tam Sư chỉ dừng bước ở tứ kết.

Hưng phấn sau chiến thắng trước Anh, Maradona tiếp tục tỏa sáng trong trận bán kết gặp “ngựa ô” Bỉ. Với kỹ thuật điêu luyện cùng tốc độ hiếm tuyệt vời, Maradona đã có hai pha đi bóng qua tới hai hậu vệ đối phương để ghi bàn. Thắng thuyết phục 2-0, Argentina tiến vào trận chung kết gặp Tây Đức.

Trận chung kết trên sân vận động Azteca thành phố Mexico City đã mang lại cho người hâm mộ những giây phút nghẹt thở. Jose Brown và Valdano giúp Argentina vượt lên dẫn trước 2-0. Nhưng với tinh thần chiến đấu quật cường của người Đức, Rummenigge và Rudi Voller đã cân bằng tỷ số 2-2 khi trận đấu chỉ còn khoảng 10 phút. Đây là trận đấu mà Maradona bị Lothar Matthaus theo kèm rất chặt. Nhưng ông vẫn để lại dấu ấn với đường chuyền quyết định ở phút 83 giúp Jorge Burruchaga lập công ấn định chiến thắng 3-2 cho Argentina. Đội bóng xứ sở Tango có lần thứ hai “lên đỉnh” thế giới. Còn Maradona có một kỳ World Cup ấn tượng với năm bàn thắng và năm đường kiến tạo, qua đó giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.

 

 

Những con số đáng chú ý

Số đội tham dự vòng loại: 121

Số đội tham dự vòng chung kết: 24

Số trận đấu: 52

Số bàn thắng: 132 (2,54 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 2.393.031 (46.019 người/trận)

Trận có khán giả nhiều nhất: Mexico - Paraguay (vòng 1), Argentina - Tây Đức (Chung kết), 114.600 người

Trận có khán giả ít nhất: Hungary - Canada (vòng 1), 13.800 người

Tổng số thẻ: 103 (137 thẻ vàng, 8 thẻ đỏ)

Quả bóng vàng: Diego Maradona (Argentina)

Chiếc giày vàng: Gary Lineker (Anh)

Cầu thủ trẻ nhất: Norman Whiteside (Bắc Ai len, 17 tuổi 41 ngày)

Cầu thủ già nhất: Dino Zoff (Italia, 40 tuổi 133 ngày)

Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Enzo Scifo (Bì)

Giải Fair Play của FIFA: Brazil

Tên linh vật: Pique, hình ảnh cách điệu của trái ớt với ria mép và chiếc mũ sombrero. Tên gọi trái ớt Pique được bắt nguồn từ picante, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "ớt" và "cay".

Trái bóng chính thức: Azteca

 

 

Những sự kiện bên lề thú vị

Tại World Cup 1982, đội ghi nhiều bàn thắng nhất là Pháp với 10 bàn thắng. Bốn năm sau, Argentina đã cải thiện đáng kể thành tích của đội ghi nhiều bàn nhất với tổng cộng 14 lần lập công. Argentina cũng là nhà vô địch kiêm luôn thành tích ghi nhiều bàn nhất giải đầu tiên kể từ sau Brazil 1970.

Các trận đấu ở Mexico 1986, giống như giải đấu diễn ra năm 1970, vẫn được tổ chức vào buổi trưa và 4 giờ chiều để có thể tối ưu hóa cho việc phát sóng phục vụ khán giải trên toàn thế giới.

Jose Batista phải nhận thẻ đỏ chỉ sau 56 giây bóng lăn trong trận đấu ở vòng bảng giữa Uruguay và Scotland, một kỷ lục cho đến thời điểm hiện tại.

Bora Milutinovic của Nam Tư là một trong hai huấn luận viên, cùng với Carlos Alberto Parreira của Brazil, đã dẫn dắt năm đội tuyển quốc gia khác nhau tham dự World Cup: Mexico năm 1986, Costa Rica năm 1990, Mỹ năm 1994, Nigeria năm 1998 và Trung Quốc 2002. Ngoại trừ Trung Quốc ra thì bốn đội bóng còn lại đều vượt qua vòng bảng.

HLV Tony Waiters của đội tuyển Canada vốn là cựu thủ môn của Blackpool (1959-66) và Burnley (1970-71). Ông cũng có năm lần ra sân trong màu áo Tam sư.

Mexico đã tham dự14 kỳ World Cup, nhưng chỉ tiến xa nhất đến vòng tứ kết. Cả hai lần lọt đến vòng tám đội mạnh nhất đó đều diễn ra trên đất nhà.

Gary Lineker là cầu thủ người Anh duy nhất giành được danh hiệu vua phá lưới cho đến thời điểm hiện tại.

SVĐ Azteca với sức chứa hơn 100 nghìn chỗ ngồi tại Mexico City đã đi vào lịch sử khi là nơi tổ chức tới 19 trận đấu tại hai VCK World Cup, chín trong số này bao gồm cả trận CK nằm trong khuôn khổ cúp bóng đá thế giới 86.