Các giải đấu khác

World Cup và lịch sử qua tranh cổ động

Bức tranh cổ động của FIFA WORLD CUP 2018 diễn ra tại Nga (Nguồn ảnh: Twitter)

Cùng Football Tribe Việt Nam nhìn lại lịch sử các kì World Cup qua những bức tranh cổ động, nhân sự kiện nước Nga vừa ra mắt poster chính thức của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra vào mùa hè 2018.

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần đầu tiên được tổ chức năm 1930 tại Uruguay. Tấm poster đầu tiên của World Cup ra đời và mang theo một chi tiết sai nhỏ về ngày tổ chức giải đấu. Hai trận đấu đầu tiên được tổ chức vào ngày 13 tháng 07, thay vì 15 tháng 07 trên bức tranh cổ động chính thức. Đội tuyển Pháp đánh bại Mexico 4-1 với bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup của Lucien Laurent trên SVĐ Pocitos Field. Tại Parque Central, đội tuyển Mĩ giành chiến thắng 3-0 trước Paraguay.

Vô địch: Uruguay

Năm 1934, World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại Italia. Đội đương kim vô địch Uruguay đã quyết định không tham gia, trở thành đội tuyển duy nhất đoạt ngôi vô địch World Cup mà không bảo vệ ngôi vương ở lần tổ chức tiếp theo.

Vô địch: Italia

World Cup 1938 ghi dấu ấn bất hòa giữa Nam Mỹ và châu Âu. Argentina và Uruguay quyết định không tham gia vì cho rằng World Cup phải được tổ chức xoay vòng tại Nam Mỹ, thay vì ở Pháp. Đây cũng là kì World Cup cuối cùng được tổ chức trước khi bị gián đoạn vào năm 1942 và 1946 vì chiến tranh thế giới thứ hai. 

Vô địch: Italia

World Cup 1950 được tổ chức tại Brazil. Nó đánh dấu năm thứ 25 vị chủ tịch Jules Rimet điều hành FIFA và chiếc cúp dành cho nhà vô địch chính thức mang tên ông. Sân vận động Maracana với 200 nghìn khán giả (con số chính xác: 199854) trong trận chung kết (Chủ nhà Brazil thua 1-2 trước Uruguay) trở thành sân đấu có sức chứa lớn nhất trong các trận đấu bóng đá từ trước đến nay.

Vô địch: Uruguay

Kì World Cup 1954 tổ chức tại Thụy Sĩ đánh dấu lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được truyền hình trực tiếp trên Tivi. FIFA chọn Thụy Sĩ, đất nước thanh bình nhất thế giới, để tổ chức ngày hội bóng đá nhằm mục đích tưởng nhớ cũng như góp phần xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh thế giới thứ hai mang lại.

Vô địch: Tây Đức

Kì World Cup lần thứ sáu được tổ chức tại Thụy Điển. Đây cũng là kì World Cup đầu tiên đánh dấu sự ra mắt của Edson Arantes do Nascimento, người sau này được biết đến với danh xưng Vua bóng đá Pele.

Vô địch: Brazil

Chile được chọn làm nơi tổ chức kì World Cup 1962. Brazil bảo vệ thành công ngôi vương với 'Cánh chim nhỏ' Garrincha cùng những hảo thủ Mario Zagallo, Pele.

Vô địch: Brazil

Tấm poster của World Cup 1966 mang ý nghĩa truyền tải trực tiếp. Ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới được tổ chức Anh, nơi đội tuyển quốc gia chọn chú sư tử làm linh vật. Bất chấp những rắc rối nơi hậu trường, kì World Cup lần thứ tám vẫn thành công với chức vô địch của đội chủ nhà Anh.

Vô địch: Anh

World Cup 1970 đánh dấu bước chuyển mình của công nghệ truyền hình khi hàng chục triệu khán giả trên thế giới được xem các trận đấu hấp dẫn trên màn hình màu. Chiến thắng của ''Đội bóng đẹp'' (The Beautiful team) Brazil trước Italia trận chung kết cũng đánh dấu đội bóng của những Pele, Jairzinho (ghi bàn trong cả sáu trận vòng chung kết)... trở thành đội tuyển đầu tiên đoạt cup vàng Jules Rimet vĩnh viễn.

Vô địch: Brazil

World Cup 1974 tổ chức tại Tây Đức ghi dấu ấn bởi cặp đấu duy nhất trong lịch sử đội chủ nhà đối đầu người anh em Đông Đức hay việc Liên Xô bỏ trận phay-off với Chile vì những bất đồng chính trị có liên quan đến nhà độc tài Pinochet. Kì World Cup 1974 cũng được ghi dấu ấn với lối chơi tổng lực của người Hà Lan và cá nhân 'Hoàng đế bóng đá' Franz Beckenbauer cùng vị trí libero.

Vô địch: Tây Đức

Đất nước của những điệu Tango được chọn để tổ chức World Cup 1978. Tấm poster chính thức của kì World Cup năm đó phần nào đó đã dự đoán đúng nhà vô địch: Chủ nhà Argentina.

Ngay khi trận chung kết World Cup 1978 kết thúc, một CĐV đã chạy từ trên khán đài xuống sân. Anh muốn ôm lấy những anh hùng dân tộc, nhưng không thể bởi anh không có cả hai tay. Nó giống với hình ảnh tấm poster chính thức và đầy những cảm xúc của đất nước yêu trái bóng tròn.

Vô địch: Argentina

World Cup 1982 được tổ chức tại Tây Ban Nha, đánh dấu lần đầu tiên khán giả Việt Nam được thức đêm xem bóng đá, thay vì xem lại băng ghi hình như World Cup 1978 trước đó. Giải đấu này còn được nhớ đến với hình ảnh Paolo Rossi, cầu thủ của những trận đấu lớn.  Rossi đã khiến cả đất nước Italia và thế giới kinh ngạc khi thi đấu cực kỳ xuất sắc tại World Cup 1982 mặc dù chỉ vừa trở lại thi đấu sau khi bị treo giò tới 2 năm vì liên quan tới dàn xếp kết quả ở Serie A. Năm đó, Rossi chỉ bắt đầu nổ súng ở trận Tứ kết trở đi với một hattrick trong trận gặp Brazil, một cú đúp trong trận Bán kết với Ba Lan trước khi lập công ở trận Chung kết thắng Tây Đức 3-1. Với 6 bàn thắng ghi được, Paolo Rossi nhận cú đúp danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải và Vua phá lưới.

Vô địch: Italia

Tấm Poster được xem như đẹp nhất trong lịch sử 88 năm các kì World Cup thuộc về Mexico 86. Những chiếc cột của nền văn minh Atzec cùng bầu trời xanh thể hiện World Cup một lần nữa trở về với Mexico (16 năm sau lần tổ chức đầu tiên năm 1970). Giải đấu năm 1986 vẫn được người hâm mộ cựu trào coi như một giải đấu giàu cảm xúc nhất, với không ai khác ngoài cậu bé vàng Diego Maradona.

Vô địch: Argentina

Tấm Poster World Cup 1990 Italia lấy cảm hứng từ đấu trường Colosseum nổi tiếng, một trong những địa danh mang tính biểu tượng của nước Ý. Hơn nữa, bài hát "Un'estate italiana" (Mùa hè nước Ý) còn trở thành một trong những bài hát chính thức hay nhất lịch sử các kì World Cup.

Vô địch: Đức

Poster chính thức của World Cup 1994 mang nhiều màu sắc và nó đã phản ánh đúng ngày hội bóng đá thế giới được tổ chức tại Mĩ mang đến nhiều điều kì lạ: Án treo giò của Diego Maradona do sử dụng chất cấm, cái chết của Escobar (Colombia) vì đá phản lưới nhà, 'đuôi ngựa thần thánh' Roberto Baggio thẫn thờ vì hỏng ăn cú sút 11m định mệnh để người Brazil lên ngôi vô địch.

Vô địch: Brazil

Bóng đá mang đến sự hàn gắn dân tộc. Nhà chính trị gia hàng đầu nước Pháp, ông Jean-Marie Le Pen tuyên bốtrước kì World Cup Pháp nắm vai trò chủ nhà: “Trả lại ĐT Pháp cho người Pháp”, điều này muốn đề cập đến thành phần Les Bleus thời bấy giờ đang đầy rẫy những cầu thủ không “chính chủ”. Tuyên bố của Le Pen thổi bùng làn sóng phân biệt chủng tộc trên khắp đất nước hình lục lăng. Le Pen có thể nhận được sự ủng hộ của một bộ phận dân cư nào đó nhưng vị chính trị gia này chắc chắn chưa thể lường trước được sức ảnh hưởng khủng khiếp một khi ĐT Pháp đa sắc tộclên ngôi tại kì World Cup ngay trên sân nhà. Đội tuyển Pháp đã làm được, người dân đoàn kết trong vui sướng tột cùng, họ quên đi mọi chuyện, có thể quên luôn cả… Ronaldo và Brazil và tận hưởng cảm giác lần đầu trên đỉnh thế giới. Bóng đá không chỉ là giải trí, là thể thao mà bóng đá còn có sức mạnh hàn gắn.

Vô địch: Pháp

Kì World Cup lần đầu tiên của thế kỷ 21 cũng đánh dấu lần đầu tiên châu Á (Nhật Bản và Hàn Quốc) tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Kì World Cup này cũng ghi dấu ấn bởi hàng loạt kỉ lục: Brazil lần thứ năm lên ngôi vô địch, bàn thắng nhanh nhất lịch sử giải đấu của Hakan Sukur, Hàn Quốc trở thành đội bóng châu Á đầu tiên lọt vào bán kết World Cup.

Vô địch: Brazil

Kì World Cup 2006 trên nước Đức thành công về mặt tổ chức, ghi dấu ấn khó phai với hình ảnh Zidane tuổi 34 dang dở và chức vô địch của người Ý. Trở lại đội tuyển sau khi giã từ năm 2004 (sau Euro), Zinedine Zidane đã dẫn Les Blues đến trận chung kết khi vượt qua cả Brazil với bộ tứ đình đám: Andriano - Ronaldo - Ronaldinho - Kaka. Nhưng câu chuyện ở trận chung kết hoàn toàn ngoài mong muốn của người Pháp. 'Cú húc đầu' của số 10 với Marco Materazzi đã khiến Zizou bỏ dở trận đấu lớn nhất, gián tiếp khiến Pháp thua cuộc trước Italia trong loạt luân lưu.

Vô địch: Italia

Nước mắt đã lăn trên cố tổng thống Mandela khi Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010. Việc Nam Phi đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã mang đến cột mốc đáng nhớ với châu Phi. Olympic hay World Cup trước đó chưa bao giờ được tổ chức tại châu lục nổi tiếng với chiến tranh và nghèo khó. Đúng như thông điệp trên tấm Poster chính thức, châu Phi đã vượt ra khỏi cái bóng của mình để thể hiện một mặt khác với cả thế giới, yêu bóng đá và thể thao như bao châu lục khác.

Vô địch: Tây Ban Nha

 

Messi thất bại tại trận chung kết,chủ nhà World Cup 2010 Brazil đại bại trước đội tuyển Đức, thất bại của Tây Ban Nha cùng lối chơi Tiqui-Taca, Cristiano Ronaldo cùng Bồ Đào Nha rời giải đấu ngay sau vòng bảng, tất cả đã tạo nên một giải đấu với nhiều dấu ấn chuyên môn. Người Đức lên ngôi vô địch với một tập thể gắn kết cùng kỉ lục gia World Cup Miroslav Klose (16 bàn).

Vô địch: Đức