Một ngày cuối tuần, các fan hâm mộ Chelsea dậy sóng vì bức ảnh của Tiemoue Bakayoko.
Tiền vệ người Pháp post bức ảnh đại bản doanh Cobham của Chelsea với dòng caption ngắn ngủi “Soon” (tiếng Việt: sắp rồi), gần như tuyên bố chính thức về vụ chuyển nhượng 40 triệu Bảng giữa Monaco và đội bóng mới của anh.
Cùng ngày hôm đó, Nathaniel Chalobah, cầu thủ có 12 năm ăn tập ở Chelsea, post bức ảnh sân tập ở Watford. Chalobah hơn Bakayoko bốn tháng tuổi. Cả hai đều thi đấu ở vị trí tiền vệ mỏ neo. Xét về khả năng phòng ngự, Chalobah không được đánh giá bằng đồng nghiệp người Pháp, nhưng khả năng chuyền bóng và hỗ trợ tấn công của anh thì được đánh giá nhỉnh hơn.
Số phận hai người? Bakayoko được đông đảo cộng đồng fan The Blues chào đón, trong khi một Chalobah đã ăn tập ở Chelsea suốt 12 năm vừa qua lặng lẽ rời đội với mức phí rẻ hơn 8 lần.
Chelsea có một hệ thống đào tạo trẻ và cho mượn tốt nhất ở nước Anh, với 6 chức vô địch giải trẻ FA và hàng loạt nhân tố trẻ đang cho mượn ở các đội bóng khác. Điểm chung của hầu hết các nhân tố trẻ đó? Đều sẽ bị bán đi cho một đội bóng khác.
Chalobah đã ở Chelsea được 12 năm, được cho mượn 6 lần, có 97 lần khoác áo ĐT trẻ Anh các cấp. Anh là một trong số những tài năng trẻ nhiều thành tích nhất tại Cobham, nhưng lại bị bán đi với mức giá “bèo” 5 triệu Bảng. Trong khi đó, một cầu thủ khác cùng vị trí được mua về với mức giá 40 triệu. Điểm khác biệt duy nhất? Trong tay cầu thủ đó là một tấm passport khác.
Chelsea làm tất cả việc khó nhất có thể, phát hiện Chalobah, đào tạo anh, xong họ lại vứt đi một cách dễ dàng. Không chỉ Chalobah, mà còn rất nhiều cái tên khác đã rời khỏi nơi đã đem đến sự nghiệp của họ. Điều đó xảy ra không chỉ dưới thời Jose Mourinho, mà đã xuyên suốt các đời HLV.
Chelsea là một đội bóng mua bán khá thông minh, vậy họ có ý đồ gì?
Bỏ 40 triệu Bảng mua về một cầu thủ dù ở lò đào tạo có khá nhiều cái tên sáng giá? Trên logic, đó là một vụ đầu tư sai lầm nhiều hơn. Logic đơn giản nhất người ta có thể nghĩ đến, đó là mua cầu thủ trẻ với giá trẻ nhất có thể, đào tạo rồi để bán lấy lời.
Chelsea lại làm điều ngược lại không chỉ một, mà rất nhiều mùa vừa qua. Tính đến hết kỳ TTCN mùa hè 2016, Chelsea cho mượn 38 cầu thủ trên 8 quốc gia khác nhau. Định kiến Vittese Arnherm là sân sau của Chelsea cũng từ đó mà ra. Tuy vậy, họ lại sẵn sàng bỏ 30, 40 triệu để có sự phục vụ của Eden Hazard, Tiemoue Bakayoko, David Luiz, Nemanja Matic, Marcos Alonso.
Trong thời kỳ bóng đá bị toàn cầu hóa và thương mại hóa, thì logic của Chelsea hoàn toàn đi về đồng tiền. Họ cần những bản hợp đồng đắt tiền để chứng minh thương hiệu của họ. Họ cần những con người được báo chí tâng bốc, được các YouTuber và mạng xã hội đánh giá cao. Họ cần người thu hút để làm đại sứ hình ảnh, thu hút tài trợ.
Một người lớn lên từ một lò đào tạo vốn không được đánh giá cao, một người được báo chí để ý trong mùa vừa qua, ai sẽ có giá trị thương mại tốt hơn?
Nói cách khác, cho những đội bóng thương hiệu thế giới, càng chi nhiều tiền càng dễ thu lại nhiều tiền. Chelsea có thể đã mất cầu thủ trẻ với giá quá rẻ mạt, nhưng cho họ ra đi (với điều kiện nhớ cài lại điều khoản mua lại với giá cao hơn) sẽ cho họ cơ hội phát triển. Dù gì, đội hình của Chelsea đã quá chật sao, còn các “sao mai” của họ không thể kiên nhẫn chờ đợi cơ hội trong tay. Marko Marin, Kevin de Bruyne, Romelu Lukaku đã rời Stamford Bridge một cách tương tự.
Khi các “sao mai” thành danh từ các đội bóng khác, Chelsea sẽ tìm cách để đem họ về với giá cao. Chi tiền để kiếm lại tiền, đó là logic của đương kim vô địch nước Anh.
Bài viết được tham khảo từ The Guardian
Image Credit: The Guardian.