Bóng đá Việt Nam

BÌNH LUẬN: Vui thôi, đừng vui quá

Vụ lộn xộn của cổ động viên Hải Phòng trên sân vận động Mỹ Đình cuối tuần vừa qua đã một lần nữa chứng minh rằng, ranh giới giữa cuồng nhiệt và quá khích quả thực rất mong manh.

Trong bóng đá hiện đại, ngoại trừ những đội bóng đã có thương hiệu trên toàn thế giới như Manchester United, Real Madrid hay Barcelona, những đội bóng nhỏ khác thu hút cổ động viên phần lớn từ tính bộ lạc.  Nói đơn giản hơn, họ hút khách từ quần chúng địa phương, bởi đội bóng là đại diện cho nơi họ sinh ra, và tinh thần bộ lạc thôi thúc họ đến sân cổ vũ.

Và dĩ nhiên, vì là bộ lạc, nên ở mỗi một nơi người ta lại có một kiểu cổ vũ. Ở Anh và Mỹ, các CĐV đến sân, mua cốc bia, an tọa, hò reo khi có bàn thắng và sẵn sàng huýt sáo nếu đội nhà thi đấu tệ. Khi hết giờ, họ nhanh chóng ra về và  thi thoảng phấn khích hát những bài hát truyền thống. Ở Đức và Pháp, các cổ động viên đến để cổ động, ca hát nhảy múa cùng với đội bóng, biến sân đấu thành lễ hội trước và sau trận đấu. Ở những nước đông Âu, chúng ta không thể không nhắc đến “đặc sản” diễu hành và pháo sáng trong suốt thời gian thi đấu.

Pháo sáng là hình ảnh đặc trưng của bóng đá Đông Âu. Ảnh; YouTube.

Nhìn chung, phong cách cổ động ở Việt Nam có chút gì đó pha trộn của những nước kể trên. Có những buổi diễu hành sau chiến thắng, khua chiêng múa trống trong trận, nhưng lại có thời điểm im lặng tập trung theo dõi trận bóng và chỉ hò reo khi có bàn thắng. Nhưng dĩ nhiên, tính bộ lạc mỗi nơi một khác, và mỗi đội lại có một “đặc sản” riêng.

Than Quảng Ninh có “chiêu” bật nhạc EDM khi có bàn thắng, còn Becamex Bình Dương là một trong những đội đầu tiên bắn pháo hoa mừng bàn thắng đội nhà. Với Hải Phòng, thứ đặc sản của họ lại là thứ gây khá nhiều tranh cãi: pháo sáng.

Pháo sáng có thể coi là thứ đem lại những hình ảnh đẹp nhất về sự cuồng nhiệt của các cổ động viên, và luôn lấy được nhiều lượt like, comment, share trên trang những mạng facebook về hình ảnh những đội bóng Đông Âu “nhuộm” sân vận động của chính họ. Nếu như chúng ta có thể sẵn sàng tôn thờ những bức ảnh về sự cuồng nhiệt ấy, thì lý do gì chúng ta lại sẵn sàng chỉ trích, “ném đá” mỗi khi CĐV Hải Phòng thắp sáng Lạch Tray hay những sân vận động họ hành quân xa nhà?

Dĩ nhiên, câu chuyện về “thuần phong mỹ tục” vẫn là chủ đề khá tranh cãi. Có những người không đồng tình với cách CĐV Hải Phòng có những buổi diễu hành gây nhiều ồn ào, có những người không thích cách Hải Phòng có những băng rôn khẩu hiệu khiêu khích. Nhưng thể thao mà thiếu đi sự cuồng nhiệt và cả những pha “võ mồm” từ hai bên bất kể chiến trường facebook hay trên sân, thật khó có thể nói đó là thể thao đúng nghĩa. Nếu diễu hành, đốt pháo sáng là cách CĐV Hải Phòng cổ vũ đội bóng của họ, thì hãy đừng suy xét gì họ.

Nhưng, quá khích đến mức ném pháo sáng và chai lọ xuống sân, thì lại là câu chuyện khác. Khi bạn đã quá khích đến mức trọng tài phải dừng trận đấu để đảm bảo an toàn, thì đó là khoảnh khắc bạn đã đi quá giới hạn cho phép.

CĐV Hải Phòng đã mắc lỗi trên không chỉ một, hai, mà là rất nhiều lần trong nhiều năm quá. Thậm chí, không ít lần đã xuất hiện những cổ động viên sẵn sàng tràn sang phía cổ động viên đối thủ để ăn thua đủ. Đó không còn là một văn hóa cổ động, đó là hooligans đến sân để chực chờ gây chiến. Mặc dù luôn đem đến không khí của một chảo lửa mà không ít những đội bóng khác tại V-League phải thèm khát, nhưng Hải Phòng chưa bao giờ nhận được thiện cảm từ người hâm mộ đại chúng.

Những hình ảnh như này khiến CĐV Hải Phòng mất điểm rất nhiều. Ảnh: Đặng Long.

Trở lại với vấn đề pháo sáng, có thể ở Việt Nam chuyện đốt pháo không dễ dàng như ở Đông Âu vì còn vướng mắc ràng buộc pháp lý. Nhưng ở nước bạn, người đốt phải chịu trách nhiệm quản lý “đồ nghề” của họ. Nói rõ ràng hơn, là đốt xong tự dập, và tuyệt đối không được ném xuống sân.

Trận đấu với Hà Nội vừa qua, chuyện pháo sáng đã được dự báo từ trước khi chúng đã được đốt…từ khi những con người xứ Cảng hành quân đến Mỹ Đình. Bản thân ban quản lý sân Mỹ Đình cũng xác định phải đóng phạt trước thông tin sáu thùng pháo sáng được chở đến Hà Nội, khi không có bất cứ hành động khám xét “đồ nghề” khán giả trước trận đấu.

Nhưng có lẽ mọi người cũng không ai nghĩ rằng, pháo được ném xuống sân ngay trong những phút cử hành quốc ca. Tình huống trọng tài dừng trận đấu giữa hiệp hai chỉ là giọt nước tràn ly, và hình ảnh những cổ động viên trung lập, những người bóng đá Việt Nam phải hướng đến để câu khách, bỏ về sau tình huống trên, là minh chứng cho một thứ cổ động vui, nhưng quá khích để rồi gây phản tác dụng.

“Em thấy không, họ đốt pháo sáng thì kệ họ. Nhưng quá khích như thế, ném xuống sân như thế, đó không còn là thể thao nữa,” một anh cơ động trên sân Mỹ Đình thở dài sau khi tất tả dập pháo cháy.