Ở kỳ trước, chúng ta đã nhìn ra được phần nào những vấn đề về chuyên môn mà HLV Nguyễn Quốc Tuấn đang gặp phải tại HAGL. Dù vậy, với bầu Đức hiện tại, sa thải ông Tuấn không phải chuyện dễ dàng.
Cơn đau đầu của Ba Đức
Những gì HAGL thể hiện ở 3 trận thua vừa qua đang không còn là hiện tượng, mà đã trở thành bản chất của đội bóng này dưới thời HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Chứng kiến HAGL lần thứ 2 trong mùa giải này phải nhận 3 thất bại liên tiếp, đến cả những CĐV bình thường cũng hiểu ông thầy này không còn phù hợp để dẫn dắt các tài năng trẻ phố Núi. Nhưng với bầu Đức, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.
“Để xảy ra điều này, đương nhiên HLV Nguyễn Quốc Tuấn chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn. Nhưng đây không phải là lỗi của một mình HLV Quốc Tuấn mà lỗi của cả tập thể. Chúng tôi phải sớm tìm ra nguyên nhân để đưa đội bóng trở lại”, trưởng đoàn HAGL Nguyễn Tấn Anh chia sẻ.
Trước khi đi tiếp vào vấn đề của CLB HAGL, hãy nói đôi chút về tình hình tập đoàn HAGL hiện tại. Theo các báo cáo kinh doanh từ tháng 8 năm 2016, HAGL đã lỗ 1.075 tỷ từ đầu năm, đồng thời khoản nợ khổng lỗ đã vượt mức 33.000 tỷ. Tính một cách nhẹ nhàng thì mỗi ngày khi mở mắt dậy, bầu Đức cùng các cộng sự đã phải loay hoay làm sao trả được 90 tỷ tiền lãi vay ngân hàng.
Quay trở lại học viện HAGL-Arsenal JMG. Đây chắc chắn là niềm tự hào lớn nhất của bầu Đức kể từ khi ông bước chân vào làng bóng đá Việt. Nhưng sau khóa I được tập huấn châu Âu với những điều kiện tốt nhất, thì phải tới khóa III, các tài năng trẻ của ông Guillaume Graechen mới được đi Hàn Quốc. Toàn bộ kinh phí của chuyến đi này cũng không phải phía HAGL chi trả, mà được tài trợ phần lớn bởi nhà tài trợ VP Milk.
Những câu chuyện trên cho thấy điều gì? Nó chứng tỏ bầu Đức giờ không còn đủ lực để lo cho HAGL như cái thời ông vung tiền mua Lee Nguyễn hay đưa U19 Việt Nam đi khắp châu Âu nữa. Điều này thể hiện rất rõ qua những ngoại binh mà họ mang về trong 3 mùa giải gần nhất. Ngoại trừ Osmar phần nào thể hiện được năng lực thì những Cosmin, Zdravko hay Ideguchi đều là những cái tên không chất lượng.
Để đưa về một HLV thực sự tài năng, đủ sức nâng tầm các tài năng trẻ của HAGL không phải chuyện đơn giản. Lấy ví dụ như HLV Ljupko Petrovic, người đang dẫn dắt FLC Thanh Hóa chơi khá thành công tại V-League mùa này. Để có được chiến lược gia sinh năm 1947, đội bóng xứ Thanh chắc chắn không tốn ít hơn 10.000 USD tiền lương mỗi tháng cho ông, chưa kể các khoản phụ phí khác. Với một người ngủ dậy đã phải trả nợ 90 tỷ, con số này không hề ít ỏi. Như vậy, kể cả khi có sa thải HLV Nguyễn Quốc Tuấn, rất khó để HAGL tìm ra một người thay thế hợp lý theo phương châm “ngon, bổ, rẻ” vào thời điểm này.
Vậy bây giờ, bầu Đức phải làm gì?
Cách Pleiku 1234 km, Than Quảng Ninh đang là một hình mẫu mà HAGL nên học hỏi. Ở đội bóng đất Mỏ có sự kết hợp hài hòa giữa lối chơi, thành tích trên sân và một đội ngũ truyền thông mạnh mẽ, hiệu quả. Thật khó để nói rằng, Than Quảng Ninh là một đội bóng giàu truyền thống trong quá khứ. Dù vậy, nhờ những chiến dịch PR hiệu quả, họ đã thu hút một lượng CĐV trung thành không nhỏ, từ đó đem về không ít những lợi nhuận kinh tế. Nhiều nhà tài trợ đã đến chung sức với đội bóng. Các CĐV sẵn sàng bỏ tiền ra mua những vật phẩm liên quan đến hình ảnh của đội như áo đấu, đồ lưu niệm, khăn quàng v.v…
Đó chính là đội bóng chuyên nghiệp thực sự, kiếm tiền thực sự từ bóng đá. HAGL còn có lợi thế hơn Than Quảng Ninh rất nhiều: Họ có nhiều ngôi sao được hâm mộ trong đội hình, họ có 1 lượng CĐV trải đều từ Bắc vào Nam, họ có 1 thương hiệu được nhiều người biết tới. Vì vậy, chẳng có lý do gì để đội bóng phố Núi không làm được những điều Than Quảng Ninh đã thành công.
Người viết từng được biết một câu chuyện rằng, có những CĐV cực kỳ nhiệt thành đã trình lên BLĐ HAGL một kế hoạch làm truyền thông chi tiết cho đội bóng. Họ còn sẵn sàng làm không công, cốt sao chỉ mong CLB thực sự phát triển bền vững. Với bầu Đức, vài trăm triệu một tháng là vấn đề lớn, nhưng bỏ ra 10-20 triệu 1 tháng cho 1 đội làm truyền thông, có thể thực sự quảng bá hình ảnh của CLB tới CĐV khắp cả nước, cũng như các nhà tài trợ tiềm năng có lẽ nằm trong khả năng của ông.
Một khi đã kiếm được tiền từ bóng đá, việc đưa về những bản hợp đồng chất lượng, cải thiện thành tích trên sân cỏ chỉ là chuyện ngày một, ngày hai. Bầu Đức có thể không (hoặc chưa) sa thải HLV Nguyễn Quốc Tuấn, nhưng ông nhất định cần xây dựng một đội ngũ truyền thông có tâm, để nâng tầm hình ảnh của CLB. Chỉ có khi ấy, ông mới thực sự biến HAGL trở thành một biểu tượng của bóng đá Việt, như những gì ông từng mơ khi xây học viện HAGL-Arsenal JMG 10 năm về trước.
Muốn HAGL tự lực cánh sinh, ít nhất, bầu Đức cũng cần tạo ra một cú hích.